Làm gì để dịch vụ công trực tuyến đạt như kỳ vọng?

Thời gian tới, công tác tuyên truyền cần phải được chú trọng, phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao dịch với cơ quan nhà nước.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đưa vào hoạt động năm 2016 đã hoàn thành theo mục tiêu Đề án và quy định của Chính phủ. Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Cà Mau hiện nay được thực hiện theo mô hình kết hợp và liên thông. Điểm nổi bật của hệ thống này là công khai minh bạch từng ngày, từng đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, liên kết với Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia về tiến độ thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC của công dân “đúng hạn, trễ hạn”.

Điều đặc biệt của hệ thống này là tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) lần thứ 2 trở lên có thể cung cấp mã hồ sơ đã giao dịch trước đó để tái sử dụng kết quả TTHC lần thứ nhất và thành phần hồ sơ đã nộp kèm theo trước đó, dù giao dịch trước đó với bất kỳ cơ quan nào, cấp nào trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến của CQĐT tỉnh.

Liên quan vấn đề này, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số 137 thủ tục. Ngoài ra, triển khai thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 457 TTHC ngoài Danh mục quy định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, lũy kế từ đầu năm đến nay đã có hơn 19.000 hồ sơ nộp trực tuyến, cùng kỳ năm 2018 chỉ có hơn 9.800 hồ sơ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CQĐT tỉnh, kết quả đạt được chưa thực sự như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do mặt bằng dân trí và ý thức trở thành “công dân điện tử” vẫn còn hạn chế. Ngoài trình độ công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế thì thói quen của người dân, doanh nghiệp vẫn muốn đến tận nơi để được hướng dẫn cụ thể. Sự chênh lệch vùng, miền vẫn còn rất lớn.

Rào cản lớn nhất chính từ nhận thức về việc cần áp dụng vào thực tiễn. Muốn phát triển Dịch vụ công trực tuyến, đầu tiên công chức, viên chức phải đi đầu thực hiện thì nhiều người còn chưa nắm rõ, chưa áp dụng và cứ thế làm theo kiểu theo truyền thống thì khó tác động được đến người dân. “CQĐT” đã có, nhưng đa số người dân không hiểu “CQĐT” tử là gì.

Từ thực tế đặt ra, trong vấn đề này, công tác tuyên truyền phải cần được chú trọng. Phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao dịch với cơ quan nhà nước. Để dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến, tỉnh Cà Mau cần bố trí bộ phận tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen, sử dụng dịch vụ tại các cơ quan, đơn vị, tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư. Cùng với đó là nâng cao các tiện ích, dịch vụ hỗ trợ: Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; liên kết với các ngân hàng để người dân thanh toán lệ phí qua Internet. Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng Internet, thiết bị tại một số địa phương, tránh tình trạng hoạt động không ổn định dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *