Làm giàu dưới tán rừng

Nghề gác kèo ong đã giúp cho nhiều hộ dân dưới tán rừng có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Tăng thu nhập từ gác kèo ong

Mật ong được xem là một trong những sản phẩm đặc biệt nhất của xứ rừng U Minh và được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2012, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đối với những hộ trồng trừng, hầu như hộ nào cũng gác kèo ong để tăng thu nhập cho gia đình. Theo một số hộ gác kèo ong lâu năm cho biết, mật ong rừng U Minh mang hương vị đặc biệt của hoa tràm, mùi thơm nhẹ và có rất nhiều công dụng, đặc biệt tốt cho sức khỏe nên được rất nhiều người ưa thích.

Gia đình anh Bùi Văn Măn (Ấp 13, xã Khánh Thuận) nhờ nghề gác kèo ong mà thoát được nghèo. Với hơn 20ha đất lâm phần, trước đây, gia đình anh chỉ thu lợi từ nguồn lợi cá dưới tán rừng, khi lượng cá bị cạn kiệt, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn; ngoài trồng rừng, anh Măn phải đi làm thuê. Nhưng từ khi mật ong có giá trên thị trường, gia đình anh bắt đầu tập tành gác kèo ong, khai thác nguồn lợi này. Từ một kèo, rồi hai kèo, đến hiện tại, 20ha đất của gia đình đã dày đặc những chiếc kèo ong. Mỗi năm gia đình anh Măn thu được khoảng 400 lít mật ong, giá bán mỗi lít khoảng 400 ngàn đồng. Khi kinh tế ổn, anh Măn đã xin thoát nghèo, để nhường sự hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn mình.

Do mật ong có giá ổn định, nên hiện nay rất nhiều bà con trong vùng trồng tràm để gác kèo ong. Những hộ gác kèo ong ngày càng biết chăm chút cho từng ổ mật và đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường về chất lượng sản phẩm. Vì thế, sản phẩm mật ong U Minh có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Không chỉ mang đến nguồn thu nhập khá cho người dân dưới tán rừng, hiện nay, mật ong còn được chọn là sản phẩm OCOP của huyện U Minh, ngày càng khẳng định thương hiệu và giá trị. Mới đây, nghề gác kèo ong còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là bước đệm quan trọng để mật ong U Minh ngày càng vươn xa hơn.

Để tăng thu nhập, nhiều hộ chia nhỏ diện tích, trồng thêm cây keo lai cho giá trị kinh tế cao.

Tận dụng lợi thế “quê hương” con cá đồng

Huyện U Minh không chỉ có mật ong mà còn có nguồn cá đồng dồi dào. Trong những năm gần đây, vừa để bảo vệ nguồn lợi cá đồng, cũng vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã thực hiện mô hình nuôi xen canh cá đồng với trồng lúa, trồng rừng; nguồn lợi kinh tế thu được từ cá đồng khá cao. U Minh cũng là huyện có số hộ dân nuôi cá đồng nhiều nhất tỉnh Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Phương (Ấp 13, xã Nguyễn Phích) cho biết, dưới tán rừng là vùng đất phèn nặng, trước kia, hầu hết bà con đều trồng lúa nhưng năng suất không cao, cuộc sống khó khăn nên gần đây bà con chuyển hướng đào ao nuôi cá. Gia đình ông mới thực hiện mô hình được gần 6 tháng, nhưng hiệu quả bước đầu cho thấy rất khả quan, với 11 ao nuôi cá nước ngọt, mỗi ao khoảng 300m2, nuôi cá rô, cá trê, cá điêu hồng… Dự kiến khi thu hoạch, 1 ao khoảng 1,2 tấn cá, trừ các khoản chi phí có thể thu lãi về hơn 25 triệu đồng. “Tôi đã lớn tuổi, để phù hợp với điều kiện sức khỏe lao động của bản thân nên chọn mô hình nuôi cá. Dù là cá nuôi, nhưng thịt cá ngon giống như cá đồng, vì con giống từ cá đồng ép ra. Ngoài ra, tôi còn dành riêng một ao trống để mùa mưa lượng cá đồng từ ngoài vào, từ đó lai tạo, giữ lại nguồn giống cá đồng chính gốc và nhân rộng”, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Mô hình nuôi cá không mới, nhưng cách làm của ông Phương hoàn toàn mới, cá nhà ông rất được người tiêu dùng ưa chuộng, lượng cá gia đình nuôi không đủ cung ứng cho thị trường trong huyện.

Ông Nguyễn Hồng Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Trước đây, bà con làm lúa, nhưng về sau mật ong có giá, bà con chuyển qua trồng tràm cho thu nhập cao hơn. Bên cạnh mô hình gác kèo ong, nuôi cá thì người dân dưới tán rừng còn phát triển thêm mô hình trồng hoa màu, cây ăn trái… Từ đó đời sống của người dân dưới tán rừng được nâng lên rõ nét”.

Nếu như trước đây, người dân sống trên lâm phần phải chịu “trói tay” không thể phát triển được kinh tế, đời sống vô cùng khó khăn; thì nay những mô hình xen canh dưới tán rừng thực sự đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ổn định cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *