Lâm Hải phát triển mạnh kinh tế tập thể

Nổi bật mô hình kinh tế tập thể hiện nay ở xã Lâm Hải có thể kể đến HTX Tân Hiệp Phát, chuyên kinh doanh các mặt hàng thủy sản, vật tư nông nghiệp, thuốc thủy sản, trong đó, cua thương phẩm có hướng đi đầy triển vọng. Bởi, HTX thực hiện đảm bảo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, vèo cho đến nuôi cua thương phẩm. Đặc biệt, 25 thành viên HTX đều có đất nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích trên 250ha, có xã viên lên đến 40ha. Bình quân mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 300kg cua thịt và có sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn – Cà Mau”. Từ đó, con cua được lựa chọn cẩn thận, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và độ an toàn được đảm bảo tuyệt đối. Giám đốc HTX, ông Lê Chí Linh cho biết: “Để đảm bảo cua cung ứng cho khách hàng, các thành viên có trách nhiệm đi gom cua trong các xã viên hoặc bà con ở đây, nhưng phải trên địa bàn xã Lâm Hải hoặc trong huyện Năm Căn, nhằm đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, khi đem cua đến đóng thùng xuất bán thì có đội ngũ kỹ thuật ở đây phân loại, đánh giá chất lượng mới cho bán ra bên ngoài”. Anh Lê Văn Mạnh, thành viên HTX, chia sẻ: “Bản thân tôi và các xã viên đều mong muốn con cua phải đúng thương hiệu, ghi rõ ràng nguồn gốc ở Lâm Hải, Năm Căn, có tem, có nhãn mác, đi đến đâu cũng được bà con cũng như người tiêu dùng đặt niềm tin”.

Ông Lê Văn Mạnh thu hoạch cua trong vuông tôm.

Mặc dù mới thành lập năm 2017 và vừa được kiện toàn bộ máy, song với sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, sự năng động của từng thành viên tổ hợp tác, mà tình hình sản xuất của HTX có nhiều chuyển biến đáng kể. Hiện tại, cua thương phẩm của HTX Tân Hiệp Phát đã có mặt ở một số tỉnh, thành lớn trong nước: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An…

Phó Chủ tịch UBND xã Tôn Văn Tiến: “Do mới thành lập, bước đầu có những khó khăn nhất định, nhưng được sự quan tâm của các cấp, thành viên HTX đã đoàn kết, nỗ lực, đi đúng hướng chỉ đạo. Đặc biệt, đối với thành viên HTX, ai cũng có vùng nuôi, có nghề sản xuất, ép, ương vèo cua giống, đây là những thuận lợi tiếp theo để HTX mở rộng thị trường và nâng chất cua thương phẩm. Bên cạnh việc phát triển và giữ vững thương hiệu cua Năm Căn – Cà Mau”, trước mắt, phải giữ vững thương hiệu và tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Tới đây, nếu đơn đặt hàng nhiều hơn thì sẽ kết nạp thêm xã viên, đồng thời mật độ nuôi dày hơn trước kia và cho ăn cá tạp, cá vụn trong vuông, vẫn đảm bảo cua ngon như nuôi tự nhiên”.

Người dân đang liên kết thành lập các tổ hợp tác nuôi nhiều loài thủy sản dưới tán rừng, mang giá trị kinh tế cao.

Với tổng diện tích tự nhiên khoảng 12.125ha, trong đó có gần 5.115ha đất nuôi trồng thủy sản, đây được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của xã Lâm Hải, nên địa phương đã tăng cường các giải pháp chỉ đạo sản xuất. Hiện tại, toàn xã có 1 HTX và 10 tổ hợp tác, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản: Sản xuất, vèo, kinh doanh cua, vọp, sò huyết…

“Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2019 xã phấn đấu thực hiện đạt thêm 2 tiêu chí, trong đó có tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí này đã đạt, đang chờ ngành chức năng huyện thẩm định công nhận”, ông Tiến cho biết.  

Với sự phát triển năng động của các mô hình kinh tế tập thể, xã Lâm Hải sẽ hướng tới nền sản xuất theo nhu cầu của thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân, hướng tới đạt mục tiêu xã nông thôn mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *