Làm kinh tế tập thể thời tái cơ cấu

Đa dạng các loại hình kinh tế tập thể

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, loại hình kinh tế tập thể trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, chất lượng ngày càng đi vào chiều sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị được thực hiện khá tốt, nhiều mô hình thực hiện chuỗi liên kết khá. Tỷ lệ HTX áp dụng khoa học – kỹ thuật công nghệ cao tăng lên rõ rệt, đặc biệt là trên lĩnh vực ngành hàng chủ lực của tỉnh. Tỉnh có 213 HTX đang hoạt động, trong đó có 143 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 2.733 thành viên, mức thu nhập 110 triệu đồng/thành viên/năm. Chiếm số lượng nhiều nhất là trên lĩnh vực thủy sản, với 83 HTX, kế đó là trồng trọt, với 30 HTX.

Toàn tỉnh có 1.085 tổ hợp tác (THT), trong đó có 1.050 THT thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 38 THT thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Các THT đã tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho tổ viên, hướng dẫn, giúp đỡ tổ viên áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, làm tiền đề để các THT phát triển thành HTX.

Kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đang chiếm lợi thế lớn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, những năm qua, tỉnh đã có sự quan tâm thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể không ngừng phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, thực tế việc vận hành, phát triển mô hình kinh tế tập thể ở một số nơi còn bộc lộ nhiều yếu kém, có nơi còn mang tính hình thức nên chưa tạo được lòng tin, chưa có sức hút đông đảo người dân và các thành phần kinh tế khác tham gia, hợp tác phát triển.

Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ về đất đai, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ thành lập mới HTX, liên hiệp HTX… Đến nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành các chương trình phát triển kinh tế tập thể tương đối đồng bộ để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở.

Trên lĩnh vực phi nông nghiệp có 70 HTX, một số HTX tiêu biểu làm ăn hiệu quả: HTX Anh Đào, HTX Hầm than 2/9, HTX Vận tải Đất Mũi, HTX Hưng Phát, HTX Taxi 986… Nhìn tổng thể qua 16 năm thực hiện đổi mới phát triển kinh tế tập thể, các HTX hoạt động ngày càng thực chất hơn so với trước đây. Nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên và HTX, có sản phẩm áp dụng công nghệ cao được bình xét tiêu biểu toàn quốc. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hỗ trợ tối đa cho kinh tế tập thể

Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt”, “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Để thực hiện có hiệu quả tinh thần nghị quyết trên, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Cà Mau cần quan tâm đúng mức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đồng thời cần lắng nghe và giải quyết có hiệu quả các kiến nghị từ cơ sở.

Bên cạnh đó, yếu tố tiên quyết vẫn là nhân lực. Trước nhất phải có người lãnh đạo HTX trẻ tuổi, có trình độ cao, có khả năng điều hành, quản lý hoạt động kinh tế, có năng lực ngoại giao để tiếp cận thị trường, với các doanh nghiệp (DN) lớn. Bên cạnh đó, làm ăn trong cơ chế thị trường hiện nay, ngoài sự năng động, hiểu biết, còn phải giữ được uy tín và có trách nhiệm cao, tạo dựng lòng tin lẫn nhau thì mới phát triển được lâu dài và bền vững. Cần quan tâm nhiều hơn, kịp thời cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, hỗ trợ các HTX về sự liên kết với DN để được sự đầu tư sản xuất ổn định theo quy trình đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nông dân ngày càng giàu mạnh hơn. Từ đó, bà con mới có niềm tin và đi theo.

Cần thêm nhiều “cầu nối” để thực hiện liên kết “4 nhà” trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa của mô hình HTX kiểu mới.

Để phát triển kinh tế tập thể của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, Đỗ Văn Sơ cho biết: “Trước hết là rà soát, củng cố và nâng chất lượng hoạt động của số HTX hiện có; phấn đấu trong năm 2020 có 60% trở lên HTX hoạt động đạt hiệu quả tốt. Muốn làm được điều đó, ngoài việc phải quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển thì chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thí điểm các câu lạc bộ nhà nông”.

Theo đó, sẽ có 9 câu lạc bộ nhà nông thành lập ở các huyện, thành phố; đây sẽ trở thành “điểm liên kết” thông tin và liên kết giữa nông dân với DN, chính quyền, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và giữa nông dân với nông dân, để tạo tiền đề vận động nông dân tham gia vào kinh tế tập thể ngày càng nhiều hơn. Đây còn là nơi để các DN cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, yêu cầu về tiêu chuẩn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhãn hiệu hàng hóa, quản lý quy trình sản xuất ra sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc… để các HTX thực hiện đáp ứng yêu cầu của DN. Từ đó mới có sự bao tiêu, đầu tư sản xuất ổn định, giảm được chi phí trung gian, nâng cao thu nhập cho nông dân khi tham gia vào kinh tế HTX, làm nền tảng để HTX phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *