“Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ”

Là thành viên của Tổ kiểm tra chất lượng trường đạt chuẩn cấp mầm non của tỉnh; bận rộn với công việc, song khi vui chơi cùng trẻ, cô Trang cảm thấy quên đi tất cả.

Tình yêu nghề của cô Nguyễn Thúy Trang được vun bồi từ người mẹ giáo viên một thời tần tảo với đồng lương ba cọc ba đồng vẫn gắng sức bám trường, bám lớp. Câu chuyện giảng dạy ở trường làng với những trò nghèo hiếu học kiếm được mớ rau, con cá liền xỏ xâu hối hả mang đến tặng cô… đã giúp cô Trang sớm nhận thức được nghề cao quý, và nuôi ước mơ trở thành giáo viên.

Gần 20 năm trong nghề, cô Trang đã có 13 năm trực tiếp nuôi dạy các bé. Chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và cùng chơi đùa với trẻ, cô hiểu rằng xã hội tiến bộ, trẻ con ngày càng thông minh, nhạy bén, người giáo viên cần sáng tạo trong các trò chơi để trẻ vừa thích thú vừa phát triển tư duy. Đảm nhận vai trò Hiệu trưởng từ năm 2012 đến nay, cô Trang càng nhận thấy trách nhiệm nặng nề với những chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian này, cô Trang thực hiện đề tài “Hướng dẫn giáo viên sưu tầm và thiết kế đồ chơi, đồ dùng bằng nguyên vật liệu mở”, được công nhận sáng kiến, kinh nghiệm cấp tỉnh. Và mới đây là sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp hướng dẫn giáo viên sưu tầm, thiết kế và sử dụng hiệu quả đồ chơi, trò chơi, giúp phát triển tư duy cho trẻ từ 5 – 6 tuổi”.

Hai sáng kiến kinh nghiệm của Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Trang đang được áp dụng hiệu quả tại trường và nhiều đơn vị bạn đến chia sẻ, tham quan. Điều đáng nói là hai sáng kiến như một thể thống nhất, bổ trợ hiệu quả cho nhau. Chẳng hạn, đối với trò chơi “Ai tinh mắt”, các cô dùng những ống nhựa làm vòng, tận dụng những lon, chai nước ngọt rồi dán giấy màu lên, rồi chia thành 2 đội thực hiện, đội nào ném vòng vào lon được nhiều sẽ thắng. Thông qua trò chơi này rèn luyện cho trẻ khả năng quan sát và sự khéo léo, nhanh nhạy. Cô Trang bộc bạch: “Chúng tôi tận dụng các phế liệu để tạo thành những thứ đồ chơi gần gũi hàng ngày, kết hợp khéo léo dán chữ, hoặc số, hình học… khơi gợi sự thích thú cho trẻ. Trong quá trình tham gia trò chơi, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, trẻ được thao tác với các loại đồ chơi phong phú về màu sắc, hình dạng, kích thước. Qua đó góp phần phát triển giác quan, nhận thức, rèn luyện sự nhạy bén, phát triển cảm xúc”.

Với nghề giáo, cô Trang luôn tâm niệm điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đội ngũ nhà giáo: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Vì thế, cô Trang luôn phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tận tụy với công việc, gương mẫu với đồng nghiệp. Cán bộ, giáo viên, nhà trường thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do ngành Giáo dục huyện phát động, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Với tâm huyết và cách làm sáng tạo, cô Trang đã xây dựng tập thể cán bộ, giáo viên đoàn kết, trên chuẩn, được phụ huynh tin tưởng, học sinh quý mến. Nhà trường luôn nằm ở tốp đầu toàn huyện bậc mầm non về thành tích thi đua các mặt, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Nhiều năm qua, cô Nguyễn Thúy Trang được đánh giá là một trong những hiệu trưởng đi đầu trong vận dụng sáng tạo phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Từ công việc đến cuộc sống đời thường, ai cũng nhận thấy cô là người trách nhiệm, chân thành và tâm huyết. Đây cũng là phẩm chất mà cô học được từ Bác Hồ kính yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *