Làm nhiều, làm nhanh, phải đi đôi với bảo đảm an toàn lao động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh, ông Thân Đức Hưởng trao quà các thân nhân người bị tai nạn lao động tại lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2020.

Quan tâm cuộc sống, đảm bảo an toàn cho người lao động

Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các văn bản của Bộ, ngành Trung ương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động về ATVSLĐ: Tổ chức 5 lớp huấn luyện ATVSLĐ; 4 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, với sự tham gia của 25 doanh nghiệp và hơn 400 người sử dụng lao động và người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của Dự án 3. Thực hiện xác nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cho 3 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện ATVSLĐ cũng còn những khó khăn, hạn chế. Nhận thức về nội dung, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ ở một số đơn vị và cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chưa cao; vẫn còn tâm lý chủ quan coi thường hoặc chỉ chú trọng vào sản xuất, chưa thấy hết các nguy cơ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động và tác động xấu đến môi trường sống của xã hội. Từ năm 2019 đến nay, xảy ra 11 vụ tai nạn lao động (khu vực có quan hệ lao động 5 vụ; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng 6 vụ); trong đó có 7 người chết và 4 người bị thương; lĩnh vực xảy ra tai nạn tập trung chủ yếu là xây dựng và điện, chiếm tỷ lệ 69%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 30.000 công nhân lao động, phần đông làm việc ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Công nhân Cà Mau có ý thức trách nhiệm cao, chịu khó, chấp hành tốt pháp luật và kỷ luật lao động. Tuy nhiên, lao động của tỉnh trình độ, tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật còn thấp, nhiều công nhân chưa có nhà ở ổn định, cuộc sống còn khó khăn… Nhiều năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã làm tốt công tác tập hợp công nhân lao động vào tổ chức công đoàn, quan tâm chăm lo người lao động bằng nhiều hình thức. Nhất là hỗ trợ nhà Mái ấm công đoàn, hoạt động thăm hỏi, tặng quà lúc khó khăn, hoạn nạn; thực hiện đối thoại, hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho công nhân…

“Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các cấp công đoàn trong tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức, người lao động về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho công nhân lao động khẩu trang, vận động các chủ nhà trọ giám sát việc cho thuê nhà, vận động cấp phát trên 12 tấn gạo cho 2.300 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong Tháng công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh đã vận động, xét trao 28 căn nhà Mái ấm công đoàn; thăm, tặng quà 254 công đoàn viên và người lao động khó khăn…”, ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết.

Cà Mau triển khai các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Cần sáng tạo, đổi mới các hoạt động về ATVSLĐ

Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2020, tỉnh Cà Mau hưởng ứng với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc đạt năng suất cao – thu nhập tốt”. Tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh có sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội và tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động.

Chia sẻ tại lễ phát động, ông Lê Chí Bắc, Phó Giám đốc nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: “Đối với các đơn vị chế biến hàng thủy, hải sản đông lạnh, số lượng lao động sử dụng khá lớn, điều kiện làm việc phải đứng suốt ca, thường xuyên tiếp xúc với nước lạnh, nơi làm ẩm ướt dễ trơn trượt, trong quá trình lao động sản xuất luôn tìm ẩn nguy cơ rủi ro về mất ATVSLĐ. Nếu như không tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ chắc chắn sẽ dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và những thiệt hại khác không lường trước được. Nhiều năm qua, công ty luôn tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch ATVSLĐ và triển khai thực hiện rộng rãi, hiệu quả, nâng cao ý thức cho cán bộ, công nhân viên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, giảm thiểu sự cố, tai nạn đáng tiếc”.

Đại diện người lao động, ông Nguyễn Thành Thạo, Trưởng phòng An toàn lao động – Công ty Điện lực Cà Mau, chia sẻ: “Người lao động không nên chủ quan, thờ ơ trong khi làm việc, để có thể xử lý kịp thời các sự cố bất thường, các hư hỏng của máy móc, thiết bị; chú ý và tuân thủ các dấu hiệu, hướng dẫn của các biển báo an toàn. Khi kết thúc công việc tại hiện trường phải thực hiện các biện pháp về kỹ thuật an toàn đúng quy định: Thu dọn dụng cụ, phương tiện và vệ sinh sạch sẽ, luôn bảo quản khu vực làm việc an toàn tuyệt đối”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, ông Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần sáng tạo, đổi mới trong tổ chức các hoạt động về ATVSLĐ”. Ông Hưởng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ và pháp luật về công đoàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ để phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, “nói không” với rủi ro mất an toàn.

Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì thường xuyên thực hiện tự kiểm tra về ATVSLĐ, đánh giá, đề xuất các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức diễn tập ứng cứu khẩn cấp, huấn luyện ATVSLĐ. Đồng thời, nhân rộng, duy trì các mô hình, giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phù hợp, hiệu quả và lồng ghép nội dung thực hiện công tác ATVSLĐ, thi đua sản xuất giỏi vào công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị để khuyến khích người lao động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ hướng tới mục tiêu năng suất, có thu nhập tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *