Lâm Thol nông dân Khmer giỏi “xóa đói, giảm nghèo”

Cuộc sống bắt đầu từ con số 0, nay anh Lâm Thol đã có nhà cửa khang trang, có đất sản xuất… Đặc biệt, anh có rất nhiều thành tích trong công tác xóa nghèo tại địa phương.

HỘ NGHÈO CÓ XUẤT THÂN KHÁ GIẢ

Anh Lâm Thol sinh năm 1963, trong gia đình nông dân khá giả ở tỉnh Bạc Liêu. Anh sống cùng cha, mẹ kế và hơn 10 anh em. Đến tuổi trưởng thành, là anh lớn trong nhà, anh nhường phần tài sản được chia cho các em, rồi tự thân lập nghiệp. Rong ruổi khắp Bạc Liêu tìm kế mưu sinh, năm 1993, anh gặp chị Thạch Thị Thanh quê ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Chị Thanh cũng thích tự bươn chải để nuôi sống bản thân, không trông chờ, ỷ lại. Rồi hai trái tim đồng cảm ấy sớm bắt chung nhịp đập và họ quyết định đến với nhau xây dựng tổ ấm.

Thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) được đôi vợ chồng trẻ chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Anh làm thuê cho hãng nước đá, chị hằng ngày chiên bánh xèo bán, tuy có nhiều cố gắng, song cuộc sống khá chật vật, nhất là khi đứa con trai đầu lòng chào đời. Năm 2000, vợ chồng anh chuyển về xã Thanh Tùng lập nghiệp, cũng là giúp vợ thỏa tâm nguyện được chăm sóc, phụng dưỡng cha già. Về đây, anh được cha vợ cho nền nhà và người dượng cho mượn tiền cất nhà. Tạm an cư, vợ chồng anh lao vào cuộc mưu sinh, với mong muốn sớm thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong ấp. Lúc mới chuyển dịch, nhu cầu làm thuê rất lớn, ai thuê gì trong khả năng mình, anh Thol đều nhận làm; còn vợ anh, từ đồng vốn tiết kiệm phụ nữ, chị đầu tư nuôi heo, mua bán nhỏ… Tích lũy tiền, anh Thol “cố” được gần 1ha đất để sản xuất. Đến năm 2007, gia đình anh Thol được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng cất nhà, từ tiền dành dụm được, vợ chồng anh thêm vào 80 triệu đồng xây nhà, mua sắm tiện nghi. Kể từ năm đó, gia đình anh Thol tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Trước đây, 9 thành viên của đội đều thuộc diện hộ dân tộc nghèo. Nhờ tham gia Đội lao động của anh Thol mà các anh em đã lần lượt thoát nghèo, vượt lên hoàn cảnh.

GIÚP BẠN NGHÈO CÙNG TIẾN

Anh Lê Thanh Lam, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng, bộc bạch: “Năm 2001, anh Lâm Thol có ý tưởng thành lập Đội lao động, với hình thức huy động lao động nhàn rỗi tại địa phương thành nhóm, có tổ chức, chuyên làm thuê và đáp ứng mọi yêu cầu: Sên vuông, xuống cống, đào đất, dọn cây vuông tôm, phụ hồ, cất nhà thuê… Sau vài năm đi vào hoạt động thấy có hiệu quả, bản thân anh Thol đã thoát nghèo và lần lượt giúp các thành viên trong đội tiếp tục vươn lên thoát nghèo. Chính quyền địa phương chọn đây làm mô hình điểm để nhân rộng trong xã, một mặt giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn, mặt khác còn góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc”.

Là Đội trưởng, anh Thol luôn tâm huyết, trăn trở phải làm sao nâng cao đời sống, giúp các thành viên trong đội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trước đây 9 thành viên còn lại của đội đều thuộc diện hộ dân tộc nghèo, nhờ tham gia vào đội của anh Thol mà các anh em đã lần lượt thoát nghèo, vượt lên hoàn cảnh. Anh Thol chia sẻ: “Trước tiên bản thân sống phải có trách nhiệm với gia đình, con cái; nỗ lực, chịu khó lao động; hạn chế trà rượu; không trông chờ, ỷ lại… Và anh em đã làm theo tôi để thực hiện khát vọng vươn lên thoát nghèo”. Ông Thạch Thiên, 56 tuổi, người lớn tuổi nhất trong đội, chia sẻ: “Tôi có 0,5ha đất, song phải lo chi phí sinh hoạt gia đình và lo cho 3 con ăn học nên kinh tế hết sức khó khăn, Lâm Thol đã thương, động viên tôi tham gia vào Đội lao động. Nhờ vậy, tôi mới có cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Lâm Thol là ân nhân của những người nghèo như tôi và nhiều anh em khác trong đội”. Anh Kim Tinh (ấp Tân Điền B), lập gia đình từ năm 22 tuổi, được gia đình cho 1ha đất nhưng nhiều năm liền sản xuất không hiệu quả, nên thuộc diện hộ nghèo từ năm 2006. Tham gia Đội lao động, hằng ngày bình quân thu nhập của anh cũng như các anh em khác khoảng 250 ngàn đồng, nhờ vậy đến năm 2010, anh Kim Tinh đã thoát nghèo.

Anh Lâm Thol phấn khởi chia sẻ: “Hiện nay, trong số 10 thành viên của đội đã có 3 thành viên thoát nghèo, 3 thành viên từ hộ nghèo vươn lên cận nghèo; 2 thành viên có hướng thoát nghèo trong năm nay. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của tôi hiện nay là phải tìm giải pháp để giúp 2 thành viên khó khăn nhất trong đội, do không đất sản xuất, trong gia đình có người bệnh hiểm nghèo nên họ chưa thể thoát nghèo, Đội đang lên kế hoạch giúp họ thoát nghèo, nhưng phải là thoát nghèo bền vững mới được”.

Anh Lâm Thol (thứ 2, từ trái sang) – từ một nông dân nghèo vươn lên khá giả.

TRÁI NGỌT

Tháng 11 qua, anh có cuộc gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo một số xã trong tỉnh về công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc. Đây cũng được xem là vấn đề nan giải của nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc, như: Xã Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi) năm 2014 có 52 hộ nghèo là đồng bào dân tộc, năm 2015 giảm xuống còn 43 hộ (theo chuẩn cũ). Xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) hiện đang rà soát, nếu áp dụng theo chuẩn nghèo mới khả năng sẽ tăng rất nhiều so với tỷ lệ 4,29% của năm 2014. Xã Đông Thới (huyện Cái Nước) giảm được 3/18 hộ nghèo dân tộc (theo chuẩn cũ). Đối với xã Thanh Tùng, trong năm 2015 cũng chỉ giảm được 11 hộ nghèo (theo chuẩn cũ).

Hiểu được “cái khó” trong công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ở các địa phương, so sánh lại với thành tích giúp hộ nghèo thoát nghèo của anh Lâm Thol trong những năm qua thật đáng trân trọng. Trước đây, anh Lâm Thol từng là hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững đã là quý, song anh còn lần lượt xóa đi tư tưởng trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong suy nghĩ của anh em; đồng thời “châm ngòi” ý thức vươn lên, giúp các thành viên khác trong đội hăng say lao động, sống trách nhiệm với gia đình, con cái, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm gánh nặng cho địa phương và xã hội.

Với người đàn ông bản lĩnh, sống có trách nhiệm, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là mục tiêu phấn đấu của Lâm Thol trong cuộc sống. Bên cạnh người vợ tâm lý, biết chia sẻ cùng chồng là những đứa con ngoan, học giỏi. Hiện con trai lớn của anh Thol đang học năm thứ hai Cao đẳng Công an (tỉnh Đồng Nai), con gái út đang học lớp 6 Trường THCS Thanh Tùng. Mỗi khi nhắc đến gia đình, anh Thol nở nụ cười mãn nguyện: “Thấy con cái cố gắng học, tôi rất vui. Nay kinh tế gia đình tạm ổn, tôi muốn giúp đỡ thật nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn như tôi trước đây để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, chăm lo cho con em đến trường”.

Với sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và đóng góp của anh cho cộng đồng, năm 2013 anh Thol vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; được Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc năm 2009; Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 – 2015.

Nhận xét về anh Lâm Thol, ông Ngô Văn Mực, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Điền B: “Đối với anh Lâm Thol, đã làm việc là phải nghiêm túc, nhiệt tình, tận tụy. Anh em nào gặp khó khăn, cần trợ giúp anh đều có mặt. Chính vì lẽ đó, anh trở thành đội trưởng uy tín, được mọi người nể trọng. Anh là một nông dân bình thường, song anh sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Bằng chính sức lao động của mình, anh đã đưa gia đình từ hộ nghèo vươn lên khá giả; mặt khác anh còn nhiệt tình, tâm huyết trong công tác giảm nghèo cho địa phương và góp phần giữ gìn ngôn ngữ truyền thống, thông qua các lớp dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào dân tộc vào dịp hè tại địa phương và các xã lân cận”.

Xuất thân từ một gia đình khá giả, nhưng để thử chí làm trai, anh Thol vào đời lập nghiệp với bàn tay trắng, từng trải qua cảnh khó khăn rồi vươn lên hộ khá giàu; không dừng lại, anh tiếp tục góp sức cùng địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Những việc tưởng chừng như không thể, anh Lâm Thol đã lần lượt chinh phục. Có thể dành cho anh một lời khen chân thành “Anh Lâm Thol – một nông dân bình thường, song lại có những hành động rất đỗi phi thường”!.

“Thời gian là vàng, lao động là vinh quang. Từ suy nghĩ đó đi đôi với hành động, đã giúp tôi vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, vươn lên khá giả. Không dừng lại đó, tôi còn muốn “truyền lửa” cho những tổ ấm vốn “lạnh” do túng thiếu, đói nghèo quanh quẩn, để họ vươn lên…”, anh Lâm Thol chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *