Làm việc với UBND huyện Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: Cần tăng diện tích và năng suất nuôi tôm sinh thái

Trong 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng thu hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn huyện khoảng trên 384 tấn. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện thời gian gần đây tang mạnh. Ngọc Hiển đang là “miền đất hứa” đối với các doanh nghiệp. Đã có 3 công ty về đầu tư, tổ chức nuôi tôm siêu thâm canh: Công ty Cổ phần Thủy sản Agritech, Công ty Cổ phần Thủy sản Long Thành; Công ty Cổ phần thủy sản NG.

Qua đánh giá, Công ty Cổ phần Thủy sản NG nuôi đạt hiệu quả cao với sản lượng thu hoạch trên 130 tấn. Hiện có 4/7 xã, thị trấn phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh gần 195ha với 144 hộ nuôi thuộc các xã: Tân Ân, Tân Ân Tây, Tam Giang Tây và thị trấn Rạch Gốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Văn Sử tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Công ty Cổ phần Thủy sản NG.

Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tăng ồ ạt, kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là công tác bảo vệ môi trường. Ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Ngoài ra, ngành điện mắc điện kế, hạ trạm biến thế cho các hộ nuôi ngoài quy hoạch, gây khó khăn cho việc xử lý ở địa phương.

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, huyện Ngọc Hiển có lợi thế nuôi tôm sinh thái, trong thời gian tới huyện nên duy trì và phát triển mạnh mô hình này.

Song song đó, nhiều hộ dân chủ động phát triển nuôi sò huyết xen canh cho thu nhập cao. Tuy nhiên gần đây nạn trộm sò xảy ra còn nhiều. Anh Hứa Minh Sang (xã Tân Ân Tây) cho biết: “Cả nhà tôi phải thay nhau canh trộm vào cào sò, tình trạng trộm này càng ngày càng phức tạp, gây bất an cho người dân”.

Lứa sò của anh Sang đã thả nuôi được 8 tháng, đang gần tới ngày thu hoạch, ước đạt khoảng 30 tấn. Nếu tình trạng trộm sò không được ngành chức năng can thiệp kịp thời thì không chỉ riêng gia đình anh Sang mà còn nhiều hộ khác trên địa bàn có nguy cơ mất trắng.

Chủ tịch UBND huyện, ông Lý Thành Tiến kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch nuôi tôm công nghiệp của huyện, để làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý; hỗ trợ kinh phí để huyện đầu tư khu xử lý rác thải tập trung của huyện; hỗ trợ vốn cho xã Đất Mũi đầu tư xây dựng nông thôn mới để đạt chuẩn trong năm 2018…

Bên cạnh mô hình nuôi tôm, huyện còn phát triển các mô hình hiệu quả: Nuôi dê, nuôi sò huyết xen canh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Sử chỉ đạo: Trên địa bàn huyện còn nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, nhiều dự án quan trọng triển khai còn chậm, năng suất nuôi tôm sinh thái còn thấp, công tác quản lý vườn quốc gia còn nhiều bất cập… đòi hỏi chúng ta cần tìm ra mô hình kinh tế phù hợp, vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái. Tiếp tục nghiên cứu định hướng các mô hình phát triển của huyện, đẩy mạnh mô hình nuôi tôm sinh thái theo Nghị quyết 05 của huyện ủy; phát triển diện tích và nâng cao năng suất gắn với tổ chức liên kết chuỗi; quan tâm thực hiện tốt mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn; chủ động phát huy hậu cần nghề cá của cửa biển Rạch Gốc; đa dạng các mô hình kinh tế hiệu quả, có đầu ra trên thị trường; tìm kiếm các mô hình kinh tế phù hợp với vùng ngập mặn; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trên địa bàn; cán bộ cơ sở đôn đốc người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường…

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Văn Sử đi tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế và tình trạng xử lý nước thải tại các công ty thủy sản trên địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *