Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại khu vực dân cư

Tuyến Quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa phận Phường 6, TP. Cà Mau thường bị chiếm dụng bởi những xe đẩy bán hàng rong.

Theo quy định của pháp luật, lòng lề đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích giao thông, không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên, tại các khu dân cư trên địa bàn TP. Cà Mau, khu dân cư nằm dọc quốc lộ và nhiều tuyến tỉnh lộ thường xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, thậm chí là cả lòng đường để sản xuất, kinh doanh.

Buôn bán lấn chiếm lòng đường tại tuyến đường từ TP. Cà Mau đi huyện U Minh, đoạn qua khu vực Khóm 1, phường Tân Xuyên.

Vô tư buôn bán dưới lòng đường vào các dịp lễ tại khu vực Phường 2, TP. Cà Mau.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, người dân có “thói quen” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng, nên sau mỗi đợt giải tỏa, khả năng tái lấn chiếm cao. Vai trò, trách nhiệm của ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở ở một số địa phương cũng còn hạn chế, coi đây là nhiệm vụ của lực lượng công an, thanh tra giao thông, nên công tác quản lý, chống tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn gặp khó khăn.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông, giữ xe, tùy theo mức vi phạm, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 – 15 triệu đồng, tổ chức từ 4 – 30 triệu đồng; hành vi xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trên vỉa hè, mức phạt đối với cá nhân từ 15 – 20 triệu đồng, đối với tổ chức từ 30 – 40 triệu đồng…

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải dỡ bỏ các công trình, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *