Lận đận xóm Cây Bàng

Vì nghèo, em Nguyễn Thị Nhi phải nghỉ học để vá lưới, phụ kinh tế gia đình.

Ở xóm Cây Bàng, người dân cất nhà san sát nhau, tạm bợ, lụp xụp, không có căn nhà nào xây dựng kiên cố, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được thực hiện tốt và có lẽ đáng mừng nhất ở xóm này là con lộ lầy lội ngày nào giờ được thay bằng lộ bê-tông dài 200m, cho người dân trong xóm dễ dàng đi lại hơn. Theo như Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, ông Nguyễn Cảnh Hạnh: “Phần đông số hộ dân ở xóm Cây Bàng từ nơi khác đến sinh sống, không có nghề nghiệp, không đất sản xuất. Phần đất họ đang sinh sống là đất của xã quản lý và trong số 48 hộ thì có gần 20 hộ thuộc diện hộ nghèo”.

NGHÈO, DANG DỞ HỌC HÀNH

Bám trụ ở đây đã trên 40 năm nay, gia đình ông Nguyễn Việt Bắc chỉ biết dựa vào nghề biển để kiếm sống. Vì không có vốn đầu tư tàu lớn đánh bắt xa bờ nên hiện nay 5 thành viên trong gia đình ông chỉ trông cậy vào chiếc ghe nhỏ đánh bắt ven bờ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm nào không thuận lợi thì đời sống gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Ông Bắc buồn bã: “Gia đình tôi không có đất canh tác, chỉ làm nghề biển để sống nhưng khó khăn lắm, vì làm nghề biển ở đây không có thu nhập thường xuyên. Mỗi chuyến đi biển chỉ kiếm được hơn 12 triệu đồng chưa trừ chi phí, nhưng trong một năm chỉ đi biển đánh bắt được 3 tháng và số tiền kiếm được trong 3 tháng phải trang trải cho cuộc sống gia đình trong năm.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, cha con tôi không đi biển được nên đời sống gia đình càng khốn khó”. Không đi biển đánh bắt được, ông Bắc và 2 người con trai đi làm thuê, nhưng cũng không được thường xuyên. Cuộc sống khó khăn, chật vật là vậy nhưng có lẽ điều mà vợ chồng ông Bắc trăn trở và ngậm ngùi nhất đó là vì cái nghèo mà 6 người con đều dang dở chuyện học hành, trong đó có 2 người không biết chữ. Hiện con gái út là Nguyễn Thị Nhi đành phải nghỉ học cách đây 2 năm, khi mới hết lớp 8, dù em rất ham học và học khá giỏi, nhiều năm đạt học sinh tiên tiến.

“4 KHÔNG”

Ở xóm Cây Bàng này, nhiều gia đình khác cũng như gia đình ông Bắc, xoay quanh “4 chữ không”: không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, không lo con đi học được vì nhà nghèo, không khả năng cất nhà đàng hoàng để ở nên mùa mưa đến lại thấp thỏm, lo âu vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Hàng chục năm sinh sống ở đây, làm lụng vất vả nhưng giờ đây căn nhà để che mưa che nắng vẫn còn là mơ ước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Kha. Bà buồn rầu: “Căn nhà này cất cách đây 10 năm, giờ cột nhà mối ăn muốn hết, các tấm tol cũ xin của người ta để lợp giờ bị thủng lổ, mưa là dột ướt hết. Không biết đến khi nào mới có đủ khả năng cất lại nhà. Mấy tháng nay, vào mùa mưa gió, không đi biển được, gia đình càng túng thiếu”. Vợ chồng bà Kha có 4 người con, 3 người con lớn đều có gia đình riêng, còn đứa út đang đi làm ở Đồng Nai, hiện chỉ còn 2 vợ chồng bà và đứa cháu ngoại đang học lớp 1. Trong 4 đứa con của bà Kha, không ai học đến lớp 5, vì gia đình nghèo nên điều quan trọng là lo cái ăn.

Đời sống còn khó khăn của người dân ven biển nói chung và ở xóm Cây Bàng nói riêng, là điều trăn trở của chính quyền địa phương. “Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm đến đời sống người dân ven biển, tạo mọi điều kiện thuận lợi để những hộ nghèo, nhất là hộ dân tộc nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đa phần người dân ở đây nhà cửa tạm bợ, bị ảnh hưởng nhiều từ thiên tai nên trước mắt xã đầu tư lộ bê-tông cho người dân dễ dàng đi lại, tìm nơi trú ẩn an toàn khi có thiên tai xảy ra. Đào tạo nghề cho lao động nhàn rỗi, đặc biệt là phụ nữ với các nghề: Làm ruốc, làm mắm. Quan tâm các chính sách cho hộ nghèo, vận động các cá nhân, tổ chức tặng quà, gạo hoặc nhu yếu phẩm cần thiết khác. UBND xã mong các ngành chức năng cấp trên có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho những hộ dân này có chỗ ở ổn định, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Cảnh Hạnh nói.

Chỗ ở chưa ổn định, nghề nghiệp bấp bênh, nhiều hộ dân ở xóm Cây Bàng sẽ tiếp tục “lận đận” với chuyện mưu sinh. Rồi sẽ còn những đứa trẻ không được học hành đến nơi đến chốn như con ông Bắc, bà Kha. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân nơi đây cần chủ động, nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *