Lan tỏa phong trào nông dân làm theo Bác

Được xem là nông dân vừa giàu vừa giỏi ở xã Nguyễn Việt Khái, mặc dù ở tuổi 78 nhưng ông Lâm Văn Khuông (ấp Tân Quảng B) vẫn luôn hăng say lao động. Trong khi nhiều hộ dân khác ở địa phương chỉ chú trọng nuôi tôm, thì ông Khuông lại sản xuất theo hướng đa cây – con. Với mảnh đất trên 2ha, ông ngăn ra làm 2 khu vực. Một khu lấy nước mặn vào để nuôi tôm – cua thâm canh. Khu còn lại ông làm bờ bao cẩn thận để giữ ngọt nuôi cá, trồng cây ăn trái, rau màu các loại. Hiện nay, trong vườn nhà ông có nhiều loại: Dừa, thanh long, xoài… Diện tích đất trống còn lại, ông trồng nhiều loại rau màu dùng trong gia đình và bán để kiếm thêm thu nhập. Ông Khuông cho biết: “Là nông dân, không chỉ làm vuông, mà nhất thiết phải có vườn rau, ao cá, cây ăn trái để vừa có cái để dùng vừa không bỏ phí đất đai”.

Chỉ riêng mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống, mỗi năm gia đình ông Lương Văn Bớt thu nhập trên 200 triệu đồng.

Theo ước tính, mỗi năm, với diện tích đất vườn này đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng. Với mô hình sản xuất bền vững này, hộ ông Lâm Văn Khuông hơn 7 năm qua được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.

Hộ ông Lương Văn Bớt (50 tuổi, ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây) là một trong những người thực hiện thành công mô hình sản xuất đa canh trên vùng đất mặn. Đây được xem là những mô hình kinh tế bền vững, đang được địa phương nhân rộng. Với gần 3ha đất sản xuất, ông Bớt nuôi tôm – cua thâm canh. Diện tích bờ vuông và xung quanh nhà ông trồng dừa, mận, thanh long và các loại rau màu, cây ăn trái khác. Từ mô hình đa canh này, hàng năm mang lại cho gia đình ông Bớt nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ông cho biết thêm: “Trong lúc sản xuất khó khăn như hiện nay, việc chuyển đổi cây, con cho phù hợp với thực tế yêu cầu cuộc sống là cần thiết. Vì vậy, nông dân phải biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, có như thế mới phát huy hết hiệu quả đất đem lại”.

Mô hình trồng hoa màu của hộ ông Lâm Văn Khuông đem lại hiệu quả cao.

Hơn 5 năm qua, các cấp hội nông dân trong huyện Phú Tân đã bình xét và đề nghị công nhận hơn 31.600 lượt hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đây là những điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất giỏi gắn với làm theo gương Bác.

Ông Ngô Thanh Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân, cho biết: “Hiện nay, phong trào sản xuất giỏi gắn với học tập và làm theo lời Bác được Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Qua đó, giúp nông dân phát huy được sáng kiến mới, cách làm hay, áp dụng vào thực tế của gia đình để phát triển kinh tế”.

Đến nay, 100% hội viên nông dân trong huyện đều đã đăng ký làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, chủ yếu là tăng gia sản xuất, giảm nghèo bền vững và góp phần xây dựng quê hương. Qua phong trào này, đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhiều hội viên nông dân và tạo chuyển biến cho diện mạo nông thôn một cách rõ rệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *