Lan tỏa tinh thần hiếu học

“Ươm mầm” con chữ

Được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Thành vào năm 2009, phường Tân Thành nằm ở vùng ven thành phố, kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp. Đình thần Tân Thành là niềm tự hào của người dân. Và dòng họ Huỳnh được biết đến là điểm sáng về phong trào khuyến học khuyến tài. Ông Nguyễn Thanh Tính, Phó Chủ tịch UBND phường: “Phường Tân Thành là cái nôi học tập, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Nhiều năm qua, họ Huỳnh được công nhận là dòng họ học tập xuất sắc. Dòng họ Huỳnh có truyền thống học rất giỏi, có người học hàm, học vị rất cao, có vai trò trong xã hội”.

Với mong muốn cho con cháu họ Huỳnh có điều kiện học tập tốt, trẻ em nghèo trong độ tuổi đi học đều được đến trường, tháng 10/2015, dòng họ Huỳnh được thành lập, tập hợp những gia đình trong họ tộc có tinh thần hiếu học để cùng nhau chăm lo việc học tập của con cháu. Gần 3 năm xây dựng, dòng họ Huỳnh ở phường có 70/120 hộ đạt gia đình hiếu học, chiếm 58,33%. Trong dòng họ có hơn 66 sinh viên đang học đại học trong và ngoài tỉnh; 52 sinh viên học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…

Một trong những người có công gây dựng dòng họ hiếu học là thầy Út Nĩ. Thầy tên thật là Cao Phú Nĩ, ở Khóm 6, vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, cha của thầy là người đã hiến trên 1.500m2 đất để xây dựng Trường Tiểu học Tân Thành 1; theo lời khuyên của cha, thầy đã theo nghề giáo, từ năm 1974 – 1991 dạy học tại ngôi trường này. Sau đó, vì lý do sức khỏe, thầy Út về công tác ở Hội Khuyến học Khóm 6 và từ năm 2015 đến nay giữ vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học phường.

Giờ đây, con cháu của ông Huỳnh Minh Tưa (Khóm 4, phường Tân Thành) đang tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình.

Nhiều năm làm công tác khuyến học, thầy Út Nĩ luôn trăn trở làm sao để phát huy hết các dòng họ có truyền thống hiếu học. Thầy vừa làm công tác vừa đi vận động, hỗ trợ để dòng họ Huỳnh và các dòng họ khác phát huy tinh thần hiếu học. “Bằng nhiều cách làm, Ban học tập của dòng họ Huỳnh đã đưa ra nhiều sáng kiến bằng cách huy động những con em đã trưởng thành, ra trường, có công ăn việc làm ổn định… những ngày tết, ngày hè, ngày lễ về họp mặt, động viên rồi gây quỹ hỗ trợ học bổng cho những em có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng khuyến học, khuyến tài; những em học giỏi sẽ có định kỳ khen thưởng riêng…”, thầy Út Nĩ chia sẻ.

Thầy giáo Út Nĩ là người đầu tiên mở đường cho phong trào khuyến học, khuyến tài của phường, được nhiều người nể trọng. Ai học giỏi thì thầy khen thưởng, trao học bổng; hoàn cảnh nào khó khăn thì thầy đi vận động, hỗ trợ; khi các em đậu đại học thì thầy đến nơi để chúc mừng. Như có một lần, thầy Út vận động được suất học bổng thường xuyên từ một doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho em Nguyễn Thúy Vy (Khóm 1), học sinh lớp 7, Trường THCS Phan Bội Châu. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, mẹ bị bệnh ung thư, cha bỏ đi từ lúc em 7 tuổi, giờ em đang ở với bà ngoại. Từ suất học bổng của thầy Út vận động hỗ trợ mà mỗi tháng em nhận được 400 ngàn đồng, cho đến khi em học hết đại học. “Nhờ số tiền này mà cháu duy trì được việc học, nếu thầy Nĩ không giúp đỡ thì không biết làm sao”, bà Lý Thị Mỹ Lệ, bà ngoại của Thúy Vy, xúc động.

Phong trào khuyến học, khuyến tài đã góp phần tiếp sức cho con em ở xã Tân Thành và phường Tân Thành trên con đường học vấn.

Giá trị của tri thức

Khoe về nhiều nhân tài trong dòng họ Huỳnh, thầy Út Nĩ nêu điển hình gia đình ông Huỳnh Minh Tưa (Khóm 4), nhà có 3 người con là thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư. Vốn là giáo viên đã nghỉ hưu, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Tưa luôn tự hào về gia đình mình. Tâm niệm “Con hơn cha là nhà có phúc”, ông quyết cho con học thành tài khi hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, 1 tháng lương chỉ bằng 1 giạ lúa. Năm 1999 là thời điểm con trai thứ hai của ông vào lớp 12, để có tiền cho con đi học, buổi chiều khi đi dạy về, ông cặm cụi nhổ cải đem ra chợ Cà Mau bán, lúc thì đi đò, lúc thì đi bộ đến sáng mới về. Cứ như vậy, trên 15 năm, 3 người con của ông đã nên người. Ông bộc bạch: “Điều tôi tâm huyết nhất là quyết tâm cho con có điều kiện để học, ráng cố gắng học cao chừng nào tốt chừng nấy”.

Chuyện về ông Huỳnh Ngọc Tiển (Khóm 1) cũng được nhắc đến. Không trường lớp, không bằng cấp, ấy vậy mà ông Tiển đã tự mày mò, viết ra nhiều phần mềm phục vụ cho các cơ quan nhà nước, các bệnh viện trong tỉnh Cà Mau. Người dân ở Tân Thành biết đến ông Tiển là một nông dân chính hiệu, từ thuở nhỏ đã theo cha mẹ làm việc đồng áng. Phần mềm quản lý bệnh viện HOSSOFT 3.0 là do ông sáng tạo và đoạt giải Nhất trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau” năm 2010 và được Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư, mua các sản phẩm của ông cho các bệnh viện trong tỉnh ứng dụng. Được cha luôn nhắc nhở phải học để vượt qua số phận, vượt lên chính mình, giờ đây hai người con của ông Tiển đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định ở địa phương. “Việc học giúp cho cuộc sống rất nhiều, chứ không phải học để lấy bằng. Những nghiên cứu của tôi vẫn còn chưa đủ và tôi vẫn tiếp tục học, bởi kiến thức chỉ là hạt cát trong sa mạc mà thôi”, ông Tiển quan niệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *