Lắng nghe tiếng nói trẻ em

Tham dự buổi đối thoại có 246 thiếu nhi là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ, đại diện cho thiếu nhi tỉnh nhà.

Tại buổi đối thoại, đại diện các sở, ngành, đoàn thể đã trả lời từng nội dung mà các em đặt ra.

Là thiếu nhi đầu tiên trình bày ý kiến tại buổi đối thoại, em Phan Trần Nhã Uyên (học sinh Trường THCS Cái Nước, huyện Cái Nước) chia sẻ trăn trở khi thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em rất phức tạp, đặc biệt là xâm hại về tình dục. Mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp tạo môi trường an toàn trong xã hội và nhà trường, nhất là có biện pháp tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả.

Em Mai Hoàng Minh Hiếu (học sinh Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân, huyện Đầm Dơi) mong các cấp, các ngành có thêm những biện pháp bảo vệ trẻ em trong tình hinh môi trường mạng Internet ngày một phát triển.

Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến gắn với đời sống và sự an toàn của chính các em. “Huyện Năm Căn chỉ mới có 4 hồ bơi và các anh, chị ở Đoàn Thanh niên cũng đã thực hiện dạy bơi cho chúng cháu với hồ bơi là vuông tôm. Nhưng với số lượng hồ bơi như vậy chỉ có thể đáp ứng cho số lượng ít trẻ em ở gần hồ bơi, còn lại những em nhà xa thì không có điểu kiện đi đến địa điểm tập, nhất là đối với những địa bàn như xã Tam Giang, Tam Giang Đông”, em Quách Minh Nguyệt (học sinh Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, bày tỏ.

Đại diện cho thiếu nhi huyện Năm Căn, em Quách Minh Nguyệt mong muốn có thêm những lớp dạy bơi cho trẻ nhằm phòng, chống đuối nước.

Có hơn 10 ý kiến của thiếu nhi được đặt ra trực tiếp và 20 ý kiến được tổng hợp ghi nhận tại buổi đối thoại. Trong đó, các em trình bày về thực trạng xâm hại trẻ em, tình trạng thiếu sân chơi; quan tâm vấn đề xây dựng môi trường sống và sinh hoạt, học tập an toàn, bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số, vệ sinh thực phẩm tại trường học, xây dựng các chương trình dạy kỹ năng như tự vệ, phòng chống đuối nước, rút ngắn khoảng cách giữa trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận các lớp năng khiếu, giúp các em có cơ hội học tập, vui chơi…

Những ý kiến trên được đại diện các cấp, các ngành ghi nhận, đồng thời có những chia sẻ, giải đáp các thắc mắc của thiếu nhi.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng lưu ý các cấp, các ngành cần quan tâm hơn đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trước hết là việc thực thi nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến trẻ em, cụ thể hóa trong từng điều kiện của từng địa phương, cơ sở gắn với các yêu cầu khác nhau. Tổ chức Đoàn – Đội cần đi sâu vào thực tiễn, có giải pháp phù hợp. Cùng với việc thực hiện quy định của pháp luật, cần chú trọng hơn các thông tin mang tính chất hướng dẫn, cẩm nang sống cho trẻ em. Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình xác định trách nhiệm của mình, chung tay cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có nhiều nỗ lực trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Trẻ em và các chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Chương trình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi” đã đáp ứng được nhu cầu chia sẻ, bày tỏ tâm tư của các em thiếu nhi tỉnh nhà, qua đó phát huy hơn nữa sự chung tay của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *