Lấy dân làm mục tiêu, là trung tâm trong xây dựng nông thôn mới

“Trong khó khăn, với quyết tâm và nỗ lực của các cấp, chung tay của nhân dân, đến nay địa phương đã đạt được những kết quả khả quan, chắc chắn đến cuối năm sẽ đạt 14/14 chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo nghị quyết năm của Huyện ủy, HĐND huyện giao”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Thuần nhận định, đồng thời cho biết đến thời điểm này, Đầm Dơi đã giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 2,57%/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện.

Nhiều khó khăn

Thông tin về tình hình xây dựng NTM, ông Nguyễn Chí Thuần cho biết, chương trình tiếp tục đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực. An ninh trật tự, an toàn xã hội ngày càng được củng cố. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM: Tân Dân, Tạ An Khương Nam và Tạ An Khương. Hiện có 11 xã đạt từ 10 – 18 tiêu chí; đang tập trung huy động mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Tân Trung đạt chuẩn xã NTM năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Thuần, một số xã xác định các tiêu chí xây dựng NTM để đăng ký, thực hiện trong năm còn thấp, chưa sát tình hình thực tế của địa phương. Một số tiêu chí muốn thực hiện đạt cần phải có nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi nguồn lực tại chỗ, vận động gặp nhiều khó khăn, nguồn đầu tư từ cấp trên hạn hẹp nên tiến độ triển khai khá chậm, nhất là về giao thông, giáo dục, thủy lợi, thiết chế văn hóa… Theo kế hoạch, huyện chọn xã Tân Tiến để xây dựng đạt chuẩn NTM năm 2020. Tuy nhiên, hiện công trình xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao của xã đã có quỹ đất sạch, vận động được nguồn kinh phí san lắp mặt bằng, nhưng chưa có nguồn kinh phí đầu tư. Cùng với đó, cần xây dựng thêm một số tuyến đường giao thông nông thôn (rộng 3m) trên địa bàn xã để đủ điều kiện đạt chuẩn. Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ 8 tỷ đồng để thực hiện những nhu cầu này.

Ngoài việc giá tôm nguyên liệu thiếu ổn định, giá đầu vào phục vụ sản xuất liên tục tăng cao, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, bệnh dịch tả heo Châu Phi đến nay đã gây hại đến hơn 1.000 con heo… thì tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Thuần, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 54 vụ thiên tai, làm sập hoàn toàn và tốc mái 144 căn nhà, 19 đoạn lộ giao thông bị sạt lở với chiều dài trên 1.400m. “Tình hình sạt lở khá phức tạp do địa bàn có nhiều sông sâu, triều cường mạnh, nhất là tại khu vực thị trấn Đầm Dơi, chợ xã Tân Tiến, Nguyễn Huân, Tân Thuận, Thanh Tùng… làm sụp, sạt lở đất tại nhiều khu dân cư, đoạn lộ giao thông, đe dọa đến tài sản và tính mạng người dân”, ông Thuần nêu thực trạng. Chia sẻ về thực tế này, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết qua khảo sát, hầu như tuyến sông nào trên địa bàn cũng sạt lở, mà chủ yếu do dòng chảy, đồng thời đề xuất, trong xây dựng các tuyến giao thông tới đây cần thiết kế cách xa các tuyến sông, kết hợp thủy lợi (cống xuyên đường); thiết kế hệ thống thủy lợi hợp lý nhằm chỉnh trị lại dòng chảy…

Sạt lở xảy ra nghiêm trọng trên vùng ven biển Đầm Dơi, làm mất đất rừng, hạ tầng xây dựng…

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, sát dân, gần dân hơn nữa

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng Đầm Dơi còn nhiều hạn chế, chỉ mới tập trung phát triển kinh tế nông – ngư nghiệp mà xem nhẹ thu hút đầu tư, phát triển thương mại, trong đó thiếu chủ động trong chuẩn bị quỹ đất để mời gọi đầu tư. Mô hình sản xuất hiệu quả thì có nhiều, nhưng việc triển khai nhận rộng còn nhiều bất cập. Xây dựng NTM trên địa bàn huyện là rất yếu – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, khi đưa ra con số: Đến nay chỉ có 3/15 xã của huyện đạt chuẩn NTM, và số tiêu chí bình quân đạt được thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, điều này cho thấy công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, nhất là công tác vận động nhân dân cùng chung tay góp sức trong xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Liên hệ vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh minh chứng: Qua khảo sát và nắm thông tin từ người dân cho thấy, việc sạt lở ven sông đang diễn ra nghiêm trọng, trong thời gian dài, nhưng sự chủ động ngay từ ban đầu của người dân nhằm làm dừng, làm giảm việc sạt lở là không có, còn phó mặc cho tự nhiên và trông chờ, ỷ lại vào sự vào cuộc của chính quyền. “Như thế thì làm sao phát huy được phong trào chung sức xây dựng NTM được”, Chủ tịch tỉnh nói.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, sát dân, gần dân hơn nữa trong hướng dẫn người dân tăng gia, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, để từ đó có được nguồn lực đóng góp xây dựng NTM. Phải tạo ra công ăn việc làm hiệu quả, bền vững và tiến bộ, trong đó xem trọng kinh tế hợp tác, sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… làm chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động, để mọi người hiểu rằng xây dựng NTM là phải làm cho “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Lấy dân làm mục tiêu, là trung tâm; Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ. Quyết không chạy theo thành tích trong xây dựng NTM.

Thông tin về tình hình đầu tư, nhất là khi Trung ương và tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần giao khoán duy tu, sửa chữa các tuyến đường nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng tính kịp thời, chủ động bảo quản kết cấu hạ tầng giao thông; không để việc hư hỏng lan rộng, thiệt hại nhiều, gây tốn kém ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo các vấn đề liên quan trong việc sử dụng đất công, xây dựng và sử dụng chợ, phân bổ vốn đầu tư công, ngân sách, công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp…

Trước buổi làm việc với lãnh đạo huyện, Thường trực UBND tỉnh thành lập 3 đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải, hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Hồng Quân và Lê Văn Sử làm trưởng đoàn, tiến hành khảo sát tình hình sạt lở, xây dựng NTM, tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân… tại các xã: Tân Duyệt, Tân Tiến, Tân Thuận, Quách Phẩm, Thanh Tùng và thị trấn Đầm Dơi.

Là địa phương tiên phong, có truyền thống và nhiều kinh nghiệm nuôi tôm, đến nay huyện Đầm Dơi dẫn đầu cả tỉnh khi có 2.321ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh với 3.539 hộ tham gia; qua đó góp phần đưa tổng sản lượng thủy sản của huyện đến nay đạt gần 100 ngàn tấn. Phục vụ tốt nghề nuôi, từ đầu năm đến nay, địa phương triển khai thi công 46 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 100km, hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *