Liên hoan Âm nhạc khu vực ĐBSCL lần thứ 32 năm 2019: Biểu dương những tài năng sáng tạo nghệ thuật âm nhạc

Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm các đơn vị tham gia Liên hoan

Liên hoan có sự tham gia của các chi hội âm nhạc và đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, mỗi đơn vị dự thi 3 tiết mục.

Phát biểu khai mạc, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Qua 32 lần liên hoan âm nhạc, đã lan tỏa khắp khu vực, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Liên hoan lần này nhằm giới thiệu những tác phẩm mới của các nhạc sĩ, nghệ sĩ viết trong thời gian gần nhất với chủ đề ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước và giới thiệu những gương mặt trẻ, các giọng hát hay, đó là những nhân tố quyết định trong hoạt động nghề nghiệp của giới âm nhạc. Và đây là dịp để các nhạc sĩ cả nước đến với Cà Mau – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất của thi ca và âm nhạc, sẽ gợi nên nhiều cảm xúc trong các nhạc sĩ để sáng tác tác phẩm mới. Liên hoan cũng nhằm để giới phê bình âm nhạc chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của khu vực ĐBSCL và hướng tới sự phát triển âm nhạc theo hướng từ dân tộc truyền thống đi lên hiện đại và nhìn nhận dòng chảy của nền âm nhạc Việt Nam, trong đó có dòng âm nhạc của các tỉnh ĐBSCL”.

Dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc” cho 13 cá nhân các tỉnh ĐBSCL.

Cùng với chương trình Liên hoan, còn có buổi tọa đàm với chủ đề “Vận dụng chất liệu âm nhạc cổ truyền ĐBSCL trong sáng tác mới”. Sự lan tỏa của âm nhạc cổ truyền vào sáng tác nhạc mới là đề tài dù đã được bàn luận trong một số hội thảo, liên hoan, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mở, khiến giới âm nhạc còn phải quan tâm. Hiểu để ngấm và yêu dân ca nhạc cổ như thế nào, vận dụng chất liệu của tổ tiên ra sao, còn tùy thuộc vào vốn kinh nghiệm và khả năng sáng tạo của mỗi người. Tọa đàm là dịp để các nhạc sĩ bàn luận về những gì được và chưa được, liên quan đến sự nghiệp phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc tại khu vực ĐBSCL, để ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm có sức lan tỏa không chỉ trong nước, mà còn góp được tiếng nói dân tộc trên nhạc trường quốc tế.

Phần thi song ca của thí sinh Thái Bảo – Kim Bằng, đơn vị tỉnh Long An với ca khúc “Nghe Dạ cổ Hoài Lang trong đền thờ Bác” của tác giả Bửu Thiết. Thí sinh Nguyễn Tuyết Nhung, đơn vị tỉnh Kiên Giang, thể hiện ca khúc “Mùa xuân quê hương” của tác giả Dương Minh Đức.Tiết mục chào mừng của đơn vị Cà Mau.

Trong khuôn khổ Liên hoan, còn có chương trình Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ ĐBSCL năm 2019, nhằm đánh giá công tác Hội thời gian qua và thống nhất chung trong sáng tác âm nhạc giữa các vùng miền, thành phố, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp âm nhạc nước nhà ngày càng phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *