Liên kết chuỗi trong thời hội nhập

Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 280.000ha nuôi tôm, sản lượng đạt khoảng 176.500 tấn, năng suất bình quân ước đạt 628 kg/ha/năm.

Xây dựng doanh nghiệp xã hội

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 280.000ha nuôi tôm, sản lượng đạt khoảng 176.500 tấn, năng suất bình quân ước đạt 628kg/ha/năm. Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp gần 10.000ha, trong đó có hơn 2.000ha nuôi tôm siêu thâm canh, với năng suất từ 40 – 50 tấn/ha/vụ.

Toàn tỉnh hiện có 30 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với trang thiết bị công nghệ hiện đại so với khu vực, tổng công suất 250 ngàn tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… chiếm khoảng 53% giá trị.

Từ chỗ nhìn nhận những khó khăn, yếu kém của ngành tôm trong những năm qua, tỉnh Cà Mau mong muốn tìm ra những giải pháp trong liên kết chuỗi để xây dựng kế hoạch chung và kế hoạch đó được xây dựng trên nhu cầu của thị trường. Thực tế đã qua, các mô hình liên kết chưa thành công, vì mỗi khâu trong chuỗi liên kết chưa có kế hoạch chung. Do kế hoạch không khớp nhau nên khó liên kết, từ đó không tiêu thụ được sản phẩm, cuối cùng dẫn đến vỡ hợp đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, giữa lợi ích và rủi ro cần được chia sẻ một cách công bằng, hợp lý cho tất cả các khâu trong liên kết chuỗi. Đã qua, các khâu trong chuỗi sản xuất ngành hàng tôm tổ chức độc lập, chỉ hỗ trợ nhau một phần nhỏ thông qua hợp đồng liên kết. Từ đó, sự phát triển các khâu không đồng đều, thậm chí có lúc chèn ép nhau để phát triển. Do không chia sẻ được lợi ích, rủi ro nên các bên không thực hiện đầy đủ trách nhiệm chung trong nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín chung.

Từ những nhược điểm đó, ông Lê Văn Sử cho rằng, muốn tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng tôm, cần phải khắc phục triệt để những tồn tại đã chỉ ra. Trước hết, cần xây dựng thí điểm mô hình liên kết có sự chia sẻ lợi ích, rủi ro một cách công bằng, minh bạch. Chẳng hạn như mô hình xây dựng doanh nghiệp xã hội. Theo đó, doanh nghiệp xã hội tổ chức theo loại hình công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Cổ đông hay các thành viên của công ty bao gồm các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thức ăn, chế phẩm vật tư phục vụ nuôi tôm, chế biến xuất khẩu và hợp tác xã (HTX) nuôi tôm.

Dẫn chứng từ mô hình của Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Mô hình tôm – rừng (hay còn gọi là tôm sinh thái) được xem là mô hình nuôi tôm sạch, đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian qua, hiệu quả kinh tế của mô hình này còn thấp, do chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, không truy xuất được nguồn gốc nên không đăng ký được giấy chứng nhận quốc tế: ASC, BAP, GlobalGAP… Để hàng vào được các thị trường khó tính: Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản…, tôm sinh thái Cà Mau phải có được các chứng nhận này mới bán được giá cao hơn so với tôm nuôi thông thường.

Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã thành lập doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng nhằm liên kết các hộ nuôi tôm lại với nhau, cùng nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái đa chứng nhận, bán với giá cao hơn từ 20 – 30% so với tôm không được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, quy trình nuôi này cũng giúp tăng năng suất từ 150 – 200/kg/ha/năm lên 1,5 – 2 tấn/ha/năm.

Nhiệm vụ hiện nay là cần chung sức để quy hoạch lại sản xuất theo vùng, theo cụm, quản lý tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào… đảm bảo liên kết chuỗi trong ngành hàng tôm.

Cộng đồng trách nhiệm

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6 này sẽ có nhiều hoạt động quan trọng của ngành tôm: Diễn đàn chuyển giao công nghệ ngành nuôi tôm; diễn đàn tôm Việt, góp ý tham vấn liên kết chuỗi ngành hàng tôm…

Điểm mấu chốt của mô hình doanh nghiệp xã hội là phải tổ chức được HTX hoạt động mạnh. Người đại diện HTX phải tham gia vào hội đồng quản trị của công ty, là người đại diện thực chất cho xã viên. Muốn thế, phải tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện nhiều hình thức hợp tác. Ghi nhận từ nhiều HTX có tên tuổi: Cái Bát, Tân Long, Tân Hồng, Hưng Mỹ, đều có chung một khó khăn và trăn trở, đó là chưa có tiếng nói chung với đơn vị đầu tư là các tổ chức tín dụng. Đây là “lỗ hổng” lâu nay của chuỗi sản xuất ngành tôm, tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết triệt để.

Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy được hơn 60 hợp đồng liên kết đầu vào chuỗi giá trị ngành hàng tôm cho 15 HTX và 17 tổ hợp tác ở tỉnh Cà Mau, gồm 800 hộ, với tổng diện tích 1.500ha. Đây được xem là trợ lực lớn để ngành tôm trong tỉnh phát triển theo hướng bền vững hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản: Tập đoàn Minh Phú và các công ty: CASES, Minh Cường, Quốc Việt, Thanh Đoàn, đã liên kết xây dựng vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích 19.000ha/4.200 hộ, trong đó tôm thâm canh là 675ha/552 hộ.

Đã có hơn 60 hợp đồng liên kết đầu vào chuỗi giá trị ngành hàng tôm cho 15 hợp tác xã và 17 tổ hợp tác ở tỉnh Cà Mau, gồm 800 hộ, với tổng diện tích 1.500ha.

Tại hội thảo mới đây về hợp tác liên kết phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau hướng tới hội nhập, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng liên kết chuỗi giá trị ngành tôm tại 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; kinh nghiệm liên kết vùng nuôi thực hành theo các tiêu chuẩn quốc tế và có thị trường ổn định; nâng cao giá trị ngành hàng tôm thông qua hợp tác và liên kết xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn nuôi tôm có trách nhiệm. Từ đó, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong liên kết chuỗi giá trị của các HTX.

Để hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng tôm, hội thảo đã nêu ra giải pháp cho khâu sản xuất, chế biến; phát triển thị trường và sản phẩm; tăng cường liên kết dọc và quản lý chuỗi nuôi trồng thủy sản, thành lập các hiệp hội ngành hàng; cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thuế, tín dụng…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, làm cơ sở để xây dựng giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong liên kết chuỗi, hỗ trợ để ngành tôm phát triển theo kế hoạch đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *