Liên quan Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về xây dựng đê biển Tây: Cà Mau giải trình, kiến nghị xem xét 3 nhóm nội dung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử vừa ký Công văn “hỏa tốc” của UBND tỉnh gửi Kiểm toán Nhà nước khu vực V, về tiếp tục giải trình một số nội dung Kết luận Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.

Đê biển Tây Cà Mau tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, vì hiện nhiều vị trí đã không còn đai rừng phòng hộ.

Điều chỉnh vì có lợi lớn cho dự án

Về kết luận chi phí đầu tư bị lãng phí hơn 3,9 tỷ đồng đo vẽ bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử cho rằng khi dự án được phê duyệt (lần đầu tiên), Chủ đầu tư tiến hành ngay việc triển khai công tác đo vẽ bản đồ trích đo phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng cho toàn bộ chiều dài dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, xét thấy nếu điều chỉnh giảm mặt cắt ngang trên toàn tuyến và điều chỉnh vị trí tuyến ở một đoạn (5,9km) sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

Việc điều chỉnh này đã giảm diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 112ha. Theo đó, chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã giảm 110 tỷ đồng, ngoài ra còn giảm rất lớn chi phí xây dựng; từ đó Chủ đầu tư đã đề xuất và UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho điều chỉnh dự án.

Khi có chủ trương điều chỉnh dự án thì các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã lập xong (năm 2011) và đã được thanh toán. Phần công việc đã lập này không sử dụng được, do kết quả kiểm đếm năm 2011, nhưng đến tháng 2/2014 mới triển khai thực hiện đầu tư phần đê; qua nhiều năm địa hình, địa vật đã thay đổi, không thể sử dụng lại số liệu cũ được.

Rút kinh nghiệm vấn đề trên, trong quá trình triển khai thực hiện, Chủ đầu tư chỉ tiến hành đo vẽ lại để xác định chính xác số liệu tính toán, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo từng đoạn được bố trí vốn (không thực hiện đo vẽ cho toàn tuyến). Cụ thể gồm các đoạn: Hương Mai – Tiểu Dừa, thực hiện công tác đo vẽ tháng 2/2014; Sông Đốc – Đá Bạc, thực hiện công tác đo vẽ tháng 9/2015; Đá Bạc – Khánh Hội, thực hiện công tác đo vẽ tháng 10/2016; đoạn vòng qua cống Đá Bạc, thực hiện tháng 2/2019.

Kè hộ đê vẫn đang tiếp tục được triển khai một cách khẩn trương, liên tục dù trong điều kiện khó khăn cả về vị trí, thời tiết và nguồn vốn.

Đối với công tác rà phá bom mìn với tổng giá trị hạng mục này là 21,5 tỷ đồng, theo dự án được duyệt ban đầu, chiều dài rà phá bom mìn là 108km, với diện tích rà phá khoảng 541ha và toàn bộ diện tích này đã được rà phá bom mìn xong năm 2011. Sau khi điều chỉnh dự án, chiều dài dự án còn lại là 72,5km, tương ứng với diện tích rà phá bom mìn trước đó được sử dụng là khoảng 254,95ha; còn lại 35,5km, với diện tích đã rà phá bom mìn khoảng 241,8 ha đưa ra khỏi dự án này để đưa vào sử dụng cho dự án khác, gồm: Dự án sử dụng nguồn tài chính của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là 19,6km, Dự án sử dụng nguồn tài chính của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) là 10km.

Riêng đoạn từ thị trấn Cái Đôi Vàm đến Kênh Rạch Nhỏ có chiều dài khoảng 5,9km (diện tích đã rà phá bom mìn khoảng 44,25ha, với số tiền là 1,72 tỷ đồng) không sử dụng lại; với lý do phải điều chỉnh tuyến đê của đoạn này, vì từ năm 2010 đến nay, đai rừng phòng hộ phía ngoài bị xói lở, khoảng cách từ tuyến đê đến biển không đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, trong tổng chiều dài 72,5km, trong quá trình thực hiện dự án trước đây không có rà phá bom mìn trong phần kênh hiện hữu (khoang đào đã lấy đất đắp đê trước đây). Khi điều chỉnh lại dự án, để giảm diện tích thu hồi đất của dân nên thực hiện việc lấy đất trong khoang đào để đắp đê; do đó, để đảm bảo an toàn cho thi công, Chủ đầu tư đã đề nghị đơn vị rà phá bom mìn thực hiện bổ sung việc rà phá phần diện tích trong phạm vi xây dựng công trình (hiện đã xây dựng xong) và không phát sinh thêm chi phí (phần diện tích rà phá bom mìn bổ sung tương đương với diện tích đã rà phá không sử dụng theo từng đoạn đê tương ứng).

Qua đối trừ diện tích đã thực hiện rà phá bom mìn không sử dụng với diện tích thực hiện bổ sung (không tính chi phí) và đối trừ diện tích đã thực hiện rà phá bom mìn với diện tích đã thực hiện, không sử dụng, cho thấy: Tổng giá trị thực hiện cho công tác đo vẽ bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn là 25,4 tỷ đồng; số tiền thực hiện đo vẽ và rà phá bom mìn đã sử dụng phục vụ cho mục đích đầu tư là 19,78 tỷ đồng (cần được ghi nhận); số tiền đã triển khai thực hiện nhưng không phục vụ đầu tư, do điều chỉnh dự án là 5,62 tỷ đồng.

Cần xem xét lại vấn đề chấp hành Luật Đê điều trong thiết kế cơ sở của dự án

Về thiết kế cơ sở vi phạm quy định của Luật Đê điều năm 2006, Đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực V áp dụng khoản 10, Điều 7 của Luật Đê điều để xác định sai phạm trong thiết kế cơ sở của dự án. Trong khi đó, khi thực hiện dự án, tỉnh Cà Mau nhận thức đây là những quy định nghiêm cấm dùng để áp dụng đối với các đối tượng không có liên quan đến xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều.

Nhiều giải pháp kè hộ đê khẩn cấp được triển khai nhằm giữ ổn định chân đê trong mùa mưa bão.

Lý giải nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử cho rằng vì theo Điều 25 (cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều), tại điểm e, h, khoản 1 có quy định: Những hoạt động sau đây phải được UBND cấp tỉnh cấp giấy phép: “Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác ở lòng sông”, “Nạo vét luồng lạch trong phạm vi đê điều”. Qua đó, có thể hiểu là việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều được sử dụng đất trong khoang đào (trong phạm vi bảo vệ đê); hơn nữa, khoang đào này đã được hình thành khi xây dựng đê trước đây (do quá trình lịch sử để lại).

Mặt khác, ngày 18/8/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 5616/BNN-PCTT về việc làm rõ ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với phạm vi lấy đất đắp đê biển Tây, tỉnh Cà Mau, trong đó xác định: “Về cơ sở pháp lý xác định hành lang bảo vệ đê biển Tây tỉnh Cà Mau như sau: “Theo khoản 2, Điều 23 Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định: Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 20m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200m về phía biển đối với đê biển; hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5m tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng”.

Công văn 5616 của Bộ còn nêu rõ: “Với việc tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đến thời điểm hiện nay chưa được phân cấp theo quy định của pháp luật về đê điều, thì việc áp dụng quy định về hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 200m về phía biển đối với đê biển như tại điểm a, khoản 2, Điều 23 là không phù hợp. Như vậy, việc thực hiện thiết kế đã qua đối với đê biển Tây tỉnh Cà Mau là không vi phạm hành lang bảo vệ đê, vẫn phù hợp với quy định của Luật Đê điều. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm tính toán ổn định đê”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh kiến nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét lại vấn đề chấp hành Luật Đề điều trong thiết kế cơ sở của dự án.

Dễ dẫn đến hiểu nhầm

Trong Kết luận Kiểm toán Nhà nước có nêu: “Giá trị Kiểm toán Nhà nước đưa ra ý kiến ngoại trừ là 278 tỷ đồng”, dễ dẫn đến hiểu nhầm.

UBND tỉnh cho rằng đây là tổng giá trị các gói thầu Kiểm toán Nhà nước có ý kiến ngoại trừ, đề nghị UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với các gói thầu này; trong khi trong dư luận hiểu đây là tổng giá trị sai phạm, từ đó gây bức xúc không đáng có trong nhân dân.

Do đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước sửa cách dùng từ hoặc ghi chú cụ thể để người đọc hiểu rõ hơn, tránh gây dư luận bức xúc như hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *