Liên quan khiếu nại của gia đình bà Lê Thị Khiêm: Đâu là hồi kết?

Do các bên liên quan cũng như những hộ dân trong khu vực lân cận không xác định được rõ ranh đất nên việc lập bản đồ gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, tại buổi họp giao ban báo chí tháng 9/2018, Phó Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, ông Lý Khánh Ly cho biết, UBND TP. Cà Mau chỉ đạo Thanh tra TP. Cà Mau khẩn trương phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật – Công nghệ – Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau) tiến hành kiểm tra, đo đạc và trích xuất bản đồ phần đất, đồng thời lấy ý kiến của các hộ dân đang tranh chấp. Vấn đề này cũng đã được đưa ra trong nhiều lần trước đây. Ông Ly cũng thừa nhận việc kéo dài là chưa đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, vào tháng 2/2018, UBND TP. Cà Mau có báo cáo về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến vụ tranh chấp đất của bà Lê Thị Khiêm. Báo cáo lần này và trả lời của ông Lý Khánh Ly tại buổi họp báo vừa qua cũng không có điểm mới.

Báo cáo của UBND TP. Cà Mau cho biết, Thanh tra Nhà nước TP. Cà Mau nhận thấy việc tham mưu cho Chủ tịch UBND TP. Cà Mau giải quyết vụ việc còn kéo dài là chưa đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân mà UBND TP. Cà Mau đưa ra là do các hộ dân nhận chuyển nhượng không xác định được ranh đất của mình quản lý. Từ đó, việc đo đạc, xác định lại vị trí ranh đất của các hộ nhận chuyển nhượng gặp rất nhiều khó khăn. Vị trí khu đất thay đổi nhiều do quy hoạch mở rộng đường Ngô Quyền, phần phía sau, UBND tỉnh đã giao cho Công ty Licogi… Trong nội dung báo cáo có ghi: “Do đó, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau sẽ báo cáo và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau để thành phố có cơ sở tiếp tục thực hiện”.

Gần đây nhất, vào tháng 4/2018 trước sự chậm trễ của ngành chức năng TP. Cà Mau, gia đình bà Khiêm cũng đã có đơn yêu cầu nhờ sự can thiệp của UBND tỉnh Cà Mau. Tiếp nhận đơn, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, yêu cầu khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền. Báo cáo kết quả giải quyết về UBND tỉnh.

Rõ ràng việc chậm trễ xử lý khiếu nại của công dân như vụ việc của bà Khiêm đã gây ra nhiều tổn thất về thời gian và tài chính cho người dân. Đất không thể sinh lợi, thậm chí chậm trễ trong xử lý đã và đang gây mất niềm tin của công dân vào cơ quan công quyền trên địa bàn TP. Cà Mau. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm người để xảy ra tình trạng này có được xem xét. Cũng như cách mà ngành chức năng TP. Cà Mau tiếp nhận và xử lý khiếu nại của công dân như những gì đã diễn ra có hợp tình hợp lý?

Liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Phước Long, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng: Theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011 của Quốc hội thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.

Tại Điều 33 Luật Khiếu nại quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Theo quy định của Luật Khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là người đứng đứng đầu của cơ quan, tổ chức; ví dụ, vụ việc này là Chủ tịch UBND TP. Cà Mau.

Đây là vụ khiếu nại đã được Chủ tịch UBND TP. Cà Mau giao cho Thanh tra TP. Cà Mau thụ lý xử lý từ nhiều năm nay, sau nhiều lần hứa hẹn sẽ có kết luận chính thức nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện trên thực tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *