Liệt sĩ Gạc Ma – những người bất tử

Nước mắt ngày đón anh về

Năm 2017, có một sự kiện khá quan trọng trong hành trình tri ân 64 liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma – Trường Sa ngày 14/3/1988. Đó là khánh thành Khu tưởng niệm Liệt sĩ Gạc Ma với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời”, tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo kế hoạch trước đó, lễ khánh thành phải làm hoành tráng, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ, và được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song có nhiều lý do khách quan, nên lễ khánh thành được thay thế bằng “Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ”.

Những chiến sĩ bất tử.

Không thể nào quên được buổi tối hôm ấy, đó là ngày 15/7/2017, tại Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, hàng ngàn người con đất Việt, trong đó có những người mẹ, vợ, con, cháu của 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận “Hải quân Trung Quốc tàn sát bộ đội Việt Nam tại đảo đá Gạc Ma”, đến dự lễ tâm linh rước vong hồn 64 liệt sĩ từ biển Cam Ranh vào lòng đất mẹ. Tất cả đều một lòng thành kính tri ân và không cầm được nước mắt trước anh linh các liệt sĩ. “Gần 30 năm – một khoảng thời gian khá dài để thay đổi nhiều thứ. Vậy mà xương cốt 64 liệt sĩ nằm sâu dưới tầng san hô lạnh cóng, 64 người mẹ, 64 người cha khóc cạn nước mắt trong đau thương tột cùng. Và cũng ngần ấy năm, nhiều người vợ trẻ, những đứa con thơ chờ đợi xương cốt của chồng, của cha đem về từ vùng biển bão tố – Gạc Ma. Nay mới đưa các anh về lòng đất mẹ, nhưng xương cốt ấy không phải bằng xương, bằng thịt, mà bằng nước mặn biển khơi và những mảnh san hô đem về từ biển Cô Lin, Gạc Ma – có nỗi đau mất mát nào hơn thế”, cựu chiến binh Trần Thiên Phụng, người sống sót trở về, rưng rưng nước mắt chia sẻ.

Hàng ngàn người dân huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) và hơn 300 thân nhân gia đình của 64 liệt sĩ Gạc Ma đến để rước các liệt sĩ về lòng đất mẹ. Không chỉ những người lính đã hàng chục lần đến vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, những thân nhân liệt sĩ đã nhiều năm khóc cạn nước mắt vì nhớ thương các anh, mà cả những người lần đầu tiên nghe những câu chuyện kể về sự chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh của 64 chiến sĩ ngày ấy đều không cầm được nước mắt.

Đón anh linh đồng đội ngày trở về đất mẹ, có nhiều cựu chiến binh còn sống sót sau trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Họ đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Đăk Lắk. Mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều chung niềm xúc động.

Ông Nguyễn Văn Chương, nguyên Chỉ huy phó quân sự đảo Gạc Ma trong trận “Hải chiến Trường Sa” ngày 14/3/1988, vượt gần 200km từ huyện Krong Bong, tỉnh Đăk Lắk. Ông không ngờ rằng sau gần 30 năm, lại được gặp những đồng đội đã từng cùng cầm súng chống lại quân xâm lăng. Nước mắt lưng tròng, ông Chương chia sẻ: “Khi nhận được giấy mời, cả đêm tôi không ngủ. Đêm trước ngày đi, tôi trằn trọc mong trời mau sáng để bắt xe đò đến Nha Trang. Sau nhiều năm cách biệt, gặp lại đồng đội tôi bây giờ là xương cốt, là nước biển đem về từ vùng biển Gạc Ma. Tôi không quên được ngày sống ở Gạc Ma, chỉ huy với lính như anh em một nhà. Cứ đến ngày 14/3, đêm nằm nước mắt chảy, thương anh em vô cùng”.

Trong hơn 300 thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đến lễ tâm linh, chị Trần Thị Thủy, con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương, mắt đỏ hoe. Chị Thủy nói với chúng tôi: “Ngày em sinh ra, ba đã hy sinh rồi. Em chỉ nghe về ba từ mẹ. Sau 30 năm nằm lạnh cóng dưới biển sâu, nay ba em về với đất mẹ. Chỉ khác đây là sự trở về không phải bằng thịt xương, mà là linh cốt từ biển mặn mòi”. Chị Thủy khóc, giọt nước mắt của con gái liệt sĩ hòa vào biển mặn Cam Ranh.

Một góc khuôn viên “Những người nằm lại phía chân trời”.

Sống mãi trong lòng dân tộc

Trong dòng chảy tri ân những anh hùng liệt sĩ dịp 27/7 này, hơn 90 triệu người dân đất Việt tưởng nhớ đến hàng ngàn, hàng vạn những người ngã xuống cho nền độc lập dân tộc và trọn vẹn lãnh thổ, trong đó có 64 liệt sĩ Gạc Ma – những liệt sĩ không có phần mộ như bao liệt sĩ khác. Mộ của các anh là những con sóng bạc đầu, là nhành san hô nằm tận biển sâu nơi đảo đá Gạc Ma lịch sử, đảo đá bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép từ sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Lịch sử đã sang trang, sự kiện “Gạc Ma – 88” cũng lùi vào dĩ vãng, song “Gạc Ma” đã tạc vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Xương cốt của 64 liệt sĩ vẫn nằm sâu trong lòng biển Trường Sa.

Vòng tròn bất tử trong Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời”.

Ngày 25/6/2018, cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” chính thức nhận được giấy phép phát hành. Đây là cuốn sách “đặc biệt nhất” trong những cuốn sách nổi tiếng do Thiếu tướng Lê Mã Lương làm chủ biên. Điều đặc biệt, trong cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” không chỉ những câu chuyện lần đầu tiên được các cựu binh Nguyễn Văn Chương, Trương Văn Hiền, Dương Văn Dũng, và hồi ký viết tay của Lê Hữu Thảo kể lại, mà đặc biệt ở chỗ có dấu vân tay của 22 cựu binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt và giam cầm còn sống.

Khi nhắc về đồng đội bị hải quân Trung Quốc tàn sát ngày ấy, cựu binh Trần Thiên Phụng mắt đỏ hoe nói: “Thương lắm đồng đội tôi. Dù thời gian có dài bao nhiêu, các anh vẫn sống mãi trong lòng dân tộc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *