Loay hoay với tiêu chí số 17

Nhiều địa phương còn “khát” nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân.

Những cách làm hay

Ngoài đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, hội phụ nữ các cấp thực hiện có hiệu quả phong trào “5 không, 3 sạch” bằng những cách làm hay, thiết thực, góp phần cùng với địa phương làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Là một trong những hộ thực hiện tốt mô hình “5 không, 3 sạch” ở ấp Xẻo Đước (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân), với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, chị Trần Kiều Nhị thường xuyên nhắc nhở chị em vệ sinh nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tại các cuộc họp tổ hàng tháng, các chị em chia sẻ kinh nghiệm xung quanh bảo vệ môi trường sống, nhất là vấn đề xử lý rác thải. Để thuyết phục chị em làm theo, chị Nhị gương mẫu thực hiện việc phân loại rác hằng ngày bằng cách: Rác thải có thể phân hủy sẽ được để riêng một thùng và đổ vào bồn chứa để trở thành phân bón cho cây trồng; với rác thải nilon, nhựa sẽ để vào một thùng riêng. Chị Nhị cho biết: “Từ ngày phát động phân loại rác, gia đình tôi thực hiện rất hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, vừa phòng tránh dịch bệnh cho con em”.

Từ việc thực hành phân loại rác thải mà các chi hội trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình tiết kiệm, từ những vật dụng phế thải. Điển hình như phụ nữ Tổ phát triển kinh tế bền vững ấp Cây Sộp (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Hàng tháng, các hội viên nhặt ve chai, phế liệu đem bán, vừa tự thu gom phế liệu của nhà mình vừa đi vận động chị em khác, thậm chí khi đang trên đường đi chợ hoặc đi đâu đó, nếu thấy có vỏ chai nhựa, lon bia là các chị, thu lượm để gom góp lại, gây quỹ hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chị là một tuyên truyền viên khi vừa tuyên truyền ý nghĩa của mô hình cho các thành viên trong chính gia đình mình, vừa thường xuyên giải thích, thuyết phục người dân tham gia thu gom rác thải, nhằm giúp người người, nhà nhà nhận thức được việc thu gom phế liệu là hành động đẹp, thiết thực vì cộng đồng và môi trường sống trong lành. Chị Phan Hồng Chung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cây Sộp, cho biết: “Tiền bán phế liệu, các chị đóng góp vào quỹ chung của tổ. Khi có chị nào khó khăn thì mang ra hỗ trợ, dù không nhiều nhưng đó là tình cảm của các chị dành cho nhau. Song song đó, hoạt động này còn mang ý nghĩa bảo vệ môi trường”.

Ngoài ra, để thực hiện tốt phong trào “5 không 3 sạch”, chị em phụ nữ còn trồng hàng rào cây xanh ven nhà, theo các tuyến lộ, đảm bảo sạch nhà, sạch ngõ.

Sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp hội phụ nữ trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức không chỉ của hội viên, phụ nữ mà còn của nhân dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Trồng hoa ven đường tạo cảnh quan đẹp, môi trường xanh.

Khó đạt, lại dễ tụt “dốc”

Đã qua, nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ với điều này, thản nhiên cho đó là việc của người khác.

Thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi) đang khẩn trương xây dựng để hướng tới thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị vào cuối năm 2020. Hành trình đi về đích của thị trấn không thể không kể đến tiêu chí môi trường. Anh Phạm Thanh Duy, Phó Bí thư Huyện đoàn, cho biết Huyện đoàn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để chung sức với địa phương đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi. Hàng tuần, đoàn viên thanh niên ra quân dọn đẹp vệ sinh, thu gom rác thải về đúng nơi quy định, trả lại vẻ thông thoáng cho các tuyến đường. Ngoài ra, các xã đoàn kết hợp với các đoàn thể tại địa phương ra quân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm… Anh Duy cũng chia sẻ một thực tế: “Nhiều hộ dân thản nhiên đem rác ra để cho lực lượng thu dọn và chỉ dẫn nơi bỏ rác, chứ không tự mình thực hiện. Trong khi tuổi trẻ ra sức mang lại vẻ mỹ quan cho địa phương thì còn nhiều hộ dân lại “quay lưng” với việc làm hữu ích này”.

Để đạt chuẩn NTM, về tiêu chí môi trường phải đạt các yêu cầu: Trên 90% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, bể chứa nước sinh hoạt và đảm bảo “3 sạch” đạt trên 70%.

Tiêu chí môi trường được xác định cần ít vốn đầu tư, khó đạt nhưng dễ tụt “dốc”. Minh chứng là nhiều địa phương dù đã đạt chuẩn tiêu chí số 17 nhưng vẫn phải “chạy hụt hơi” để giữ chuẩn. Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chánh văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Qua khảo sát và đánh giá, thì hầu hết 5 xã chỉ đạo điểm về xây dựng NTM của tỉnh năm 2018 đều “hụt” về tiêu chí môi trường”.

Dù các địa phương đã ráo riết chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhưng do tập quán lâu đời, thói quen khó bỏ, ví như dù nhà đã có xây nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng vẫn bắc thêm cầu tiêu trên ao cá. Do tập quán sinh sống cùng với một số địa phương không có điểm tập kết rác nên người dân xả rác thải ra ven sông, rạch. Các xã vùng sâu, vùng xa, dân cư phân bố không đồng đều nên rác thải của các hộ gia đình hầu như chưa được thu gom xử lý. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh.

Để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, không phải chuyện một sớm một chiều. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số địa phương trần tình rằng không nên nghĩ môi trường là tiêu chí “mềm” dễ thực hiện, bởi không phải thực hiện bằng việc phân bổ kinh phí mà chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, ý thức của người dân.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn là trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền địa phương nhưng hơn ai hết, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, bởi lẽ xây dựng NTM chính là phục vụ cho người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *