“Lộc rừng” cho người dân U Minh

Trái giác được nhặt sạch cùi trước khi đem bán cho cơ sở của ông Danh Riêng.

Mùa trái giác chín rộ trên rừng tràm U Minh Hạ bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối năm âm lịch. Vào thời điểm này, hàng chục hộ dân ở xã Khánh Thuận và một số xã khác ở U Minh rủ nhau đi hái trái giác kiếm thêm thu nhập. Những ngày “trúng mánh”, có hộ thu cả triệu đồng.

Giác – một loại dây leo đặc trưng ở vùng rừng U Minh Hạ.

Nguyên liệu được vận chuyển về Công ty Sơn Phát để sản xuất rượu.

Giác là một loại dây leo đặc trưng mọc hoang dại rất nhiều ở rừng U Minh Hạ, ở những khu vườn hoang, bờ kênh, hàng rào ven nhà. Khi còn non, trái giác có màu xanh phấn, lúc sắp chín chuyển màu vàng trong và khi chín có màu tím sậm bóng lưỡng. Từ lâu, trái giác là món ăn quen thuộc của người dân quê, dùng để nấu canh chua, kho cá. Giờ đây, trái giác còn trở thành nguyên liệu chính để sản xuất rượu trái giác, mà Công ty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Sơn Phát (Công ty Sơn Phát) ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đặt cơ sở thu mua tại Ấp 4, xã Khánh Thuận. Đó là cơ sở của ông Danh Riêng, mỗi năm thu mua hàng chục tấn trái giác để cung cấp cho Công ty Sơn Phát. Cơ sở này đã hoạt động gần 8 năm nay, thu mua hàng trăm tấn trái giác của người dân thu hái được. Trái giác được thu mua phải là trái chín, nhặt sạch hết cùi. Sau đó, nguyên liệu được đựng trong bọc nilông, ướp thêm ít đường, đặt vào thùng nhựa, đậy kín nắp để ủ. Thu mua được khoảng 15 tấn thì ông Danh Riêng vận chuyển về Công ty một lần. Giá trái giác tươi mua vào tại cơ sở của hiện nay là 8.000 đồng/kg.

Nguyên liệu trái giác được bao gói cẩn thận trước khi đưa vào thùng ủ.

Công việc hái trái giác đã giúp cho hàng chục hộ dân ở địa phương có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Công việc thường ngày của vợ chồng anh Nguyễn Văn Miền (Ấp 4, xã Khánh Thuận) vào mùa hái trái giác. Gia đình anh không có đất sản xuất, công việc hàng ngày là làm thuê; khi đến mùa trái giác, anh Miền chỉ đi thu hái, kiếm được từ 200 – 400 ngàn đồng/ngày, tính cả năm thu nhập được khoảng 20 triệu đồng.

Những người đi hái trái giác đa số đều ở Ấp 4, xã Khánh Thuận, trong đó có nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập từ hái trái giác đã giúp cho nhiều hộ có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *