Lời hẹn sau chiến tranh…

Bà luôn quan tâm, chăm sóc cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ.

Tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong địa phương vào năm 1968, rồi dần chuyển qua Đoàn 6 pháo binh (Quân khu 9), bà Lâm Thị Nhì (quê Ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) được học lớp y tá 6 tháng nhưng khi tham gia vào đơn vị, bà cùng lúc đảm nhiệm hai trọng trách: Vừa làm nhiệm vụ y tá vừa tham gia tải đạn, tải thương. Ánh mắt tự hào, bà nhớ: “Tuy nhiệm vụ gian nan, vất vả và không kém phần nguy hiểm, nhưng đồng đội luôn tràn ngập tiếng cười. Chiều cỡ 4 giờ là vác đạn, vũ khí xuống xuồng đi, đem đến các tiểu đoàn. Dù là y tá của đơn vị nhưng phải đi tiếp lương, tải đạn rồi ra chiến trường luôn”.

Mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng, muốn được chiến đấu vì quê hương, đất nước nhưng trong sâu thẳm tâm hồn thì những thanh niên lúc bấy giờ cũng khát khao được yêu thương, được có người bầu bạn để cùng chia sẻ vui buồn, nữ pháo binh Lâm Thị Nhì cũng không ngoại lệ. Trong quá trình chiến đấu, tình cờ gặp được người đồng hương ở đội biệt động, là người chồng hiện giờ của bà. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, thanh niên Nguyễn Hữu Có (Ấp 3, xã Khánh Tiến) sớm tham gia cách mạng, không chỉ là trinh sát đo đạc trận địa pháo mà ông còn trực tiếp tham gia chiến đấu trực diện với kẻ thù. Trong đó, có trận chống càn ở Cần Thơ làm ông bị thương, mất một mắt trái. Sau khi dưỡng thương hơn một tháng, ông tiếp tục trở lại đơn vị. Trong gần 10 năm chiến đấu, ngoài nhiệm vụ trinh sát đo đạc trận địa pháo, ông Nguyễn Hữu Có đã tham gia hơn 30 trận chống càn, pháo kích, đánh lớn…

Cảm mến nhau vì chung chí hướng, lòng dũng cảm, nhiệt huyết tuổi 20 sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì và đi bất cứ nơi đâu cách mạng cần, song vì Tổ quốc nên chuyện tình yêu đành gác lại. Gặp lại nhau khi hòa bình, không quên lời hẹn ước năm xưa, ông Lâm Hữu Có và bà Lâm Thị Nhì nên duyên vợ chồng. Tài sản duy nhất của đôi vợ chồng trẻ là chiếc ba lô vải. Niềm vui chưa trọn, lại phải gánh nặng cơm áo thời bao cấp.

Khó khăn nối tiếp khó khăn khi bất ngờ chồng lâm cơn bạo bệnh. Mọi gánh nặng dồn hết lên đôi vai gầy guộc của bà. Khi đó, đứa con nhỏ nhất chỉ mới 6 tháng tuổi. Ai chỉ đâu có thầy thuốc hay, bà cũng cố gửi con lại nhà cho người thân rồi chèo xuồng chở chồng đi chữa trị, nhưng bệnh ông không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn. Với hy vọng còn nước còn tát, bà quyết tâm đưa ông lên Nhà thương Hồng Bàng, điều trị suốt 6 tháng ròng, trong nỗi nhớ thương con bơ vơ ở nhà. Có những lúc tưởng chừng gục ngã nhưng ý chí của người chiến sĩ cách mạng đã vực dậy, bà phải là chỗ dựa cho chồng và cho những đứa con còn thơ dại…

Vết thương chiến tranh làm ông Nguyễn Hữu Có mất một mắt, nay lại thêm bệnh nặng thời gian dài nên mất sức lao động hoàn toàn. Mọi việc trong ngoài của gia đình đều do bà đảm đương. Dáng người tần tảo, gương mặt hiền dịu, bà Nhì rơm rớm nước mắt chia sẻ rằng không hiểu sao lúc đó lại có thể vượt qua được, vừa làm nuôi chồng bệnh vừa nuôi 3 con thơ dại. Có được ngày hôm nay với bà như thế đã là hạnh phúc, là may mắn lắm rồi, vì có biết bao người đã nằm lại nơi chiến trường. Có lẽ, bản chất người lính Cụ Hồ được tôi luyện qua gian khổ chiến tranh và tấm lòng trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

Giờ đây ở cái tuổi ngoài 60, cựu chiến binh Lâm Thị Nhì đã có thể vui vầy bên con cháu. Cuộc sống bây giờ đã ổn định hơn vì các con bà đã lớn khôn, có gia đình đầm ấm. Dù sức yếu nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Có vẫn muốn đóng góp sức mình cho địa phương, phần nào giúp đỡ những gia đình chính sách, giải quyết chế độ cho người có công và hơn hết là ông vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội khi được đồng đội tin tưởng, bầu ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Tiến.

Những năm tháng cuộc đời cách mạng hào hùng, chuyện tình đẹp, vững bền và son sắt của hai người đồng chí, vợ chồng ông bà Nguyễn Hữu Có và Lâm Thị Nhì, thật đáng ngưỡng mộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *