Lớp học tiếng Hoa giữa lòng thành phố

Giáo viên đứng lớp chủ yếu là người Hoa có kinh nghiệm lâu năm trong công tác giảng dạy, họ đã góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc mình.

Chùa Bà Thiên Hậu, Phường 2, TP. Cà Mau, những năm gần đây, vào mỗi buổi tối, đặc biệt là khi mùa hè đến là lớp dạy chữ Hoa lại bắt đầu rộn ràng. Đây là tâm huyết của tập thể Hội Tương tế người Hoa cùng Ban Trị sự Chùa Bà, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Các em được dạy đọc, nghe, nói, viết, từ vở lòng đến nâng cao.

Đồng bào dân tộc Hoa sinh sống ở Cà Mau khá đông, với 1.673 hộ, 6.692 người; tập trung nhiều nhất là ở TP. Cà Mau, chủ yếu là kinh doanh, buôn bán. Năm 2009, khi Hội Tương tế người Hoa thành lập Trung tâm tiếng Hoa Dục Tài, mở lớp dạy chữ Hoa tại chùa dành cho tất cả mọi người, ở tất cả các lứa tuổi từ tiểu học, THCS và cao hơn nữa, thời gian học là vào mỗi buổi tối các ngày trong tuần, nhiều phụ huynh rất vui vì con em mình có cơ hội tiếp cận ngôn ngữ mẹ đẻ. Ông Lâm Anh Lữ, Giám đốc Trung tâm, phấn khởi: “Trung tâm mở lớp dạy chữ Hoa là rất quý, vì ở trường các cháu chỉ được học tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, trong việc giảng dạy cũng gặp thuận lợi là nhiều gia đình vẫn trao đổi với nhau bằng tiếng Hoa tại nhà, các cháu giao tiếp rất tốt nên việc học chữ cũng nhanh hơn. Các cháu học tập với tinh thần rất cao, nên tiếp thu khá nhanh. Không chỉ dạy chữ cho học sinh phổ thông các cấp, Trung tâm còn tổ chức lớp dạy cho các sinh viên, người lớn có nhu cầu học chữ Hoa”.

Một năm, Trung tâm tiếng Hoa Dục Tài mở 4 khóa học, trung bình mỗi khóa học có từ 80 – 100 học viên.

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Hoa luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm và tạo điều kiện rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm giúp đồng bào giữ được chữ “mẹ đẻ”. Ông Vương Văn Sáng, Trưởng phòng Dân tộc TP. Cà Mau, cho biết: “Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc rất phong phú đa dạng và còn được lưu giữ. Trong đó, để tạo điều kiện cho việc phát triển và bảo tồn văn hoá dân tộc Hoa, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đúng đắn và phù hợp, đặc biệt là việc bảo tồn, duy trì và phát triển ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết. Qua đó, đã giúp người Hoa hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc mình; đồng thời, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào”.

Có thể nói, việc tổ chức dạy và học chữ Hoa của Hội Tương tế người Hoa ở Cà Mau đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Bởi vì, khi các em có nền tảng kiến thức, am hiểu chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình sẽ giúp các em bảo tồn tốt hơn các tinh hoa văn hóa dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *