Lúa an toàn hướng đến VietGAP

Thực hiện sản xuất lúa VietGAP giúp nâng cao chất lượng lúa gạo, gia tăng năng suất, ổn định sản xuất, bền vững môi trường và gia tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông dân canh tác lúa. Muốn vậy, đòi hỏi nông dân phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ: Gieo sạ tập trung, né rầy, sử dụng giống xác nhận, có năng suất chất lượng cao và chống chịu sâu bệnh, quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) áp dụng “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” (1 phải là phải sử dụng cấp xác nhận; 5 giảm gồm: Giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lượng giống, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch), tiết kiệm nước, cơ giới hóa trong thu hoạch, bảo quản…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT;) đang triển khai “Quy trình sản xuất lúa sạch đảm bảo tiêu chuẩn an toàn” và các tiêu chí về lúa sạch. Mục tiêu là nâng cao trình độ sản xuất của nông dân trồng lúa theo kỹ thuật tiên tiến, quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, đảm bảo tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Sản xuất lúa VietGAP giúp nâng cao chất lượng lúa gạo, gia tăng được năng suất, ổn định sản xuất.

So với kỹ thuật canh tác truyền thống, áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, ngoài việc góp phần giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất lúa: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên hạt gạo ngày càng có chất lượng cao và giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, nhất là trong thời kỳ giá cả lúa giống, vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay; và 3 tăng trong đó: Tăng năng suất, tăng chất lượng gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Trần Thức cho biết: Thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu bị các đối tác trả về do dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, xuất khẩu lúa gạo sẽ không còn dễ dàng như trước đây, vì khách hàng đã bắt đầu yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các đối tác nhập khẩu gạo cũng sẽ cử người đi kiểm tra các vùng lúa nguyên liệu, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.

Nhiều nông dân chia sẻ việc sản xuất lúa theo quy trình sản xuất lúa sạch đảm bảo tiêu chuẩn an toàn giảm phân bón, thuốc hóa học so với cách canh tác truyền thống nên lúa hàng hóa sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao giá trị hạt lúa, tăng thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi xây dựng được vùng sản xuất lúa an toàn, chất lượng lúa được kiểm chứng sạch nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tự tìm đến ký kết bao tiêu sản phẩm. Đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Mục tiêu là nâng cao trình độ sản xuất của nông dân trồng lúa theo kỹ thuật tiên tiến, quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, đảm bảo tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Huyện Trần Văn Thời là vùng trọng điểm sản xuất lúa 2 vụ, với gần 30.000ha. Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Sử Văn Minh nhận định, mô hình sản xuất lúa an toàn là hướng đi mới trong mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất. Mô hình này đi theo hướng sản xuất bền vững, tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất cánh đồng lớn cùng với việc bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; Cà Mau, cho biết, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được chọn để triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất mới được ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp… hướng dẫn nông dân thực hiện. Hiện, Sở NN&PTNT; đang triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn.

Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch. Đi đôi với quy hoạch vùng bảo vệ đất đai, nguồn nước, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thường xuyên giám sát quá trình sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia.

Theo kế hoạch xuống giống vụ lúa hè thu năm nay, các huyện vùng trọng điểm sản xuất lúa 2 vụ: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau sẽ xuống giống 36.400ha. Hiện, ngành chuyên môn đã xây dựng và triển khai khung lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho từng địa phương. Theo đó, bà con nông dân đã làm đất được gần 30.000ha, sạ khô gần 1.000ha.

Liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa là mục tiêu của ngành Nông nghiệp đang hướng tới, cũng như đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong canh tác. Sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm là xu thế phát triển hiện nay để tiến tới sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình, cần sự chung tay nhiều hơn nữa của các chủ thể trong chuỗi liên kết sản xuất giữa “4 nhà” và phải đảm bảo được 3 vấn đề: Năng suất đảm bảo, giá cả hợp lý và đem lại lợi nhuận tối đa cho nông dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *