“Mạnh tay” với những bến thủy nội địa không phép

Một bến xếp dỡ vật liệu xây dựng hoạt động không phép gần cầu Huỳnh Thúc Kháng (Phường 7, TP. Cà Mau).

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cái Nước và TP. Cà Mau vẫn hiện hữu 5 bến thủy nội địa hoạt động không phép. Trong đó, tại khu vực kênh xáng Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) có 3 bến xếp dỡ vật liệu xây dựng, khu vực kênh xáng Bạc liêu – Cà Mau có 2 bến. Đây là 5 bến đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung xử lý triệt để trong thời gian tới.

Thượng tá Đoàn Thanh Khải cho biết: Theo kế hoạch, việc phối hợp kiểm tra, xử lý bến thủy nội địa hoạt động nằm trong hành lang an toàn cầu bắc qua sông lần này được thực hiện nhằm mục đích, yêu cầu tăng cường phối hợp cùng các lực lượng liên ngành, Ban An toàn giao thông (ATGT) các huyện, TP. Cà Mau thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, phức tạp về trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó sẽ duy trì, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa của các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phối hợp liên ngành đường thủy nội địa.

Theo đó, nội dung, đối tượng kiểm tra gồm tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác bến thủy nội địa trên tuyến gần kênh xáng Lương Thế Trân, kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau. Trong đó tập trung kiểm tra giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, giấy tờ hành chính có liên quan đến người điều khiển, người làm việc trên phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, tình hình ATGT đường thủy nội địa khu vực.

Riêng về biện pháp ngăn chặn và xử lý, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 sẽ phụ trách địa bàn TP. Cà Mau kiểm tra trên tuyến kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau. Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 phụ trách địa bàn huyện Cái Nước kiểm tra trên tuyến kênh xáng Lương Thế Trân (phía bên bờ Cái Nước).

Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu trong hoạt động kinh doanh cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong vấn đề này, trách nhiệm quản lý của địa phương cần được thể hiện rõ nét.

Các đoàn kiểm tra liên ngành nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động, kèm theo đó là xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền của các đơn vị thành viên tham gia đoàn. Sau đó, bàn giao cho UBND TP. Cà Mau và huyện Cái Nước quản lý, nếu phát hiện vi phạm thông báo về đoàn kiểm tra liên ngành số 3, 4 để phối hợp xử lý.

Trong quá trình phối hợp kiểm tra, nếu phát hiện bến thủy nội địa hoạt động có ảnh hưởng, vi phạm hành lang an toàn đường bộ sẽ đề xuất Ban ATGT tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm bến thủy nội địa đối với những bến không đủ điều kiện để cấp phép, đoàn sẽ công bố cho chủ bến được biết. Đồng thời hướng dẫn chủ bến tìm vị trí mới để di dời, hướng dẫn điều kiện, thủ tục cấp phép bến thủy nội địa để chủ bến di dời đến những vị trí đủ điều kiện cấp phép hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau, cho biết: Đã qua, công tác phối hợp xử lý chưa được thực hiện tốt, trách nhiệm của địa phương trong quản lý và nắm thông tin chưa được rõ nét, còn có hiện tượng chủ bến không hợp tác với đoàn kiểm tra. Để đợt kiểm tra lần này đạt hiệu quả, đòi hỏi công tác phối hợp phải được nâng cao. Quan điểm của địa phương trong xử lý vấn đề này là không phải làm khó doanh nghiệp mà hướng doanh nghiệp hoạt động đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *