Miếu Bà Thủy Long được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh

Đông đảo đại biểu và người dân dự Lễ trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Miếu Bà Thủy Long.

Miếu Bà Thủy Long còn có các tên gọi khác là Thủy Long cung thần nữ; Miếu Bà Thủy Long thần nữ; Miếu Thủy Long…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Hoàng Hiện trao Bằng xếp hạng di tích.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Quynh, Trưởng phòng Tuyên truyền – Giáo dục truyền thống (Bảo tàng tỉnh) cho biết, Thủy Long thần nữ là vị nữ thần được thờ ở khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng sông nước Cà Mau. Hình thức thờ chủ yếu tại các miếu thờ cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục miếu thờ Thủy Long thần nữ với nhiều quy mô khác nhau. Có loại miếu nhỏ như miếu Thổ Công (thờ Thổ địa) cao khoảng 80cm, diện tích chỉ khoảng 1m2 với bài vị đặt dưới đất (miếu ở ấp Cả Hàng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước). Có loại miếu trung bình với diện tích khoảng 10m2, có trang trí hoành phi, câu đối, bàn thờ (miếu ở rạch Bà Hội, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình). Có loại miếu thờ với không gian rộng hàng chục mét vuông, có cổng chào, sân miếu, được bày trí như một đình thần, có tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền, tiên sư, chúa tể sơn lâm…, tiêu biểu như miếu thờ ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.

Ông Huỳnh Minh Lạc, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, trao tặng phần quà cho Ban Quản trị miếu.

Ông Phan Văn Tợ, Trưởng ban Quản trị miếu cho biết: Miếu Bà Thủy Long tại ấp Thanh Tùng được thành lập vào khoảng năm 1820, do hai ông Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành đến khai khẩn nơi này và xây cất lên hai ngôi miếu, một ngôi thờ Sơn Thần (nay là miếu Ông Hổ, trong khuôn viên miếu Bà Thủy Long), một ngôi thờ Thủy Thần (chính là miếu Bà Thủy Long ngày nay). Miếu ban đầu được dựng lên bằng cột tràm, lợp lá dừa nước.

Ngôi miếu thờ Bà Thủy Long trở thành nơi ghi dấu của quá trình khai hoang, mở cõi của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới. Từ hai kiến họ ban đầu (Tô, Nguyễn), trải qua gần 200 năm, đã phát triển thành cộng đồng dân cư đông đúc với hơn 60 kiến họ. Cũng gần 200 năm qua, người dân xã Thanh Tùng và nhân dân các vùng lân cận đã duy trì việc thờ cúng Bà Thủy Long thần nữ, mà ngày nay trở thành tín ngưỡng đặc trưng của cư dân vùng sông nước Cà Mau.

Ngày cúng lệ hàng năm được tổ chức vào ngày 16 và 17/2 âm lịch, gọi là lễ Kỳ yên (cầu an). Ngoài lễ cúng Kỳ yên, vào các ngày Rằm lớn, mùng Một hàng tháng, hay các ngày vía hoặc Tết Nguyên đán hàng năm, nhiều người mang lễ vật đến đây cúng viếng.

Ban Quản trị miếu chụp ảnh lưu niệm bên Bằng xếp hạng di tích.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Hoàng Hiện nhấn mạnh: “Lễ cúng miếu Bà Thủy Long ở Thanh Tùng mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết, yêu thương nhau.

Về giá trị văn hóa, di tích góp phần khẳng định sự tồn tại của tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ trên vùng đất Cà Mau như một tín ngưỡng đặc trưng, nổi trội. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước, đã tồn tại hàng trăm năm qua trong đời sống tinh thần người dân Nam Bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Nếu được bảo tồn và phát huy tích cực, sẽ trở thành nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Đồng thời có thể quảng bá giá trị đặc trưng của tín ngưỡng và lễ hội để thu hút khách du lịch từ các địa phương trong và ngoài tỉnh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *