Miếu Thần Minh được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh

Được xây dựng tại Cà Mau vào năm Bính Tuất (1886), miếu Thần Minh hiện tọa lạc tại địa bàn Khóm 3, Phường 4, TP. Cà Mau. Khoảng năm 1833, ông Nguyễn Thiện Năng, là người gốc miền Trung, văn võ song toàn, được triều đình bổ nhiệm vào làm Tri huyện Long Xuyên (địa phận tỉnh Cà Mau hiện nay), trở thành vị quan huyện đầu tiên trấn thủ vùng đất cực Nam đất nước, cũng là nơi đầu sóng ngọn gió, biên cương lãnh thổ quốc gia. Tương truyền, ông Nguyễn Thiện Năng là người rất mực thanh liêm và nhân đạo, trong thời gian trị vì tại địa phương, ông luôn bảo vệ và giữ vững cuộc sống bình yên cho dân chúng, nên được dân chúng hết lòng ca ngợi về đức độ và tài năng.

Toàn cảnh miếu Thần Minh.

Vào năm 1835 (Ất Mùi), trong vùng có nhiều loạn lạc, Tri huyện Nguyễn Thiện Năng lại lâm trọng bệnh. Lúc này có một số người thừa cơ ấy nổi lên đánh phá huyện đường, mong chiếm một cõi xưng hùng. Ông Nguyễn Thiện Năng và gia đình (gồm vợ và con trai còn nhỏ) chiến đấu quyết bảo vệ tới cùng để giữ an ninh cho dân chúng, nhưng “thân mãnh hổ nan địch quần hồ”, chống cự đến ngày mồng 6/7 năm đó thì sức cùng lực kiệt. Không muốn để vạ lây đến dân lành, ông đã cùng gia đình tuẫn tiết để giữ tròn khí phách. Thi hài của ông cùng vợ và con trai được chôn chung một mồ. Sau đó, viện binh của triều đình đến để dẹp loạn và sắp xếp trật tự, an ninh cho dân chúng.

Tương truyền ông rất linh thiêng, tuy mất đi nhưng hồn vẫn thường xuyên hiện về báo oán, gây cho kẻ thù những tai nạn kinh hoàng, khủng khiếp. Năm 1886 (Bính Tuất), một số người dân ở địa phương lập miếu thờ để tỏ dạ tôn sùng và tôn kính ông là “Thần minh nhứt xứ”, nên được người dân địa phương gọi là miếu Thần Minh cho đến ngày nay.

Miếu Thần Minh nằm trong quần thể các công trình kiến trúc được xây dựng vào thời gian sớm nhất trên vùng đất mới Cà Mau, cùng với chùa Phật Tổ (Quan Âm cổ tự) và đình Tân Xuyên (Đình Thần Hoàng). Đây là những công trình kiến trúc ghi dấu ấn lịch sử thời kỳ khai phá vùng đất Cà Mau.

Riêng miếu Thần Minh đánh dấu về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ đầu tiên ở vùng đất cực Nam Tổ quốc mà công đầu thuộc về triều đình nhà Nguyễn. Ông Nguyễn Thiện Năng là vị quan đầu tiên chính thức thực hiện nhiệm vụ quản lý toàn bộ vùng đất Cà Mau với vai trò là tri huyện, ông đã chọn vị trí TP. Cà Mau hiện nay để lập huyện đường, tổ chức bộ máy làm việc, cai trị nhân dân công minh và đức độ.

Tiểu sử ông Nguyễn Thiện Năng, được viết trên tường bên trong Miếu.

Miếu Thần Minh là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh của đông đảo cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Cà Mau và những vùng lân cận, nơi người dân gửi gắm niềm tin vào sự phù hộ, độ trì của vị thần với mong muốn an cư, lạc nghiệp. Đặc biệt, vào dịp lễ giỗ hàng năm và các lễ cúng “Tam ngươn, Tứ quý”, đông đảo người dân và khách thập phương về dâng lễ, thắp hương tưởng niệm. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miếu Thần Minh cũng là nơi ẩn nấp và hoạt động của nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.

Trải qua hơn 130 năm kể từ khi ngôi miếu được xây dựng, ngày mùng 6 và 7/ 7 (âm lịch) hàng năm, người dân địa phương đều duy trì việc thờ cúng, tổ chức lễ húy kỵ. Ngoài lễ giỗ thường niên, Ban Quản trị còn tổ chức cúng định kỳ “Tam ngươn, Tứ quý” (cúng vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, rằm tháng 10 âm lịch và các quý trong năm). Vào những dịp này, người dân trong vùng và khách thập phương tập trung về rất đông, đến thắp hương, bái vọng, tưởng nhớ công đức của vị quan huyện đầu tiên của vùng đất trẻ Cà Mau là ông Nguyễn Thiện Năng (có khi gọi trại thành Nguyễn Hiền Năng – trước năm 1975, Cà Mau có trường Trung học bán công mang tên Nguyễn Hiền Năng).

Điện thờ ông Nguyễn Thiện Năng.

Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) nhân chuyến công tác tại tỉnh Cà Mau đã đến viếng và dâng hương tại miếu Thần Minh. Trong sổ lưu niệm, ngày 4/8/2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã viết: “Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng xúc động khi được biết công đức to lớn của Thần Minh Nguyễn Thiện Năng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Chúng tôi nguyện sẽ đem hết sức mình để đóng góp cho Cà Mau và quê hương Việt Nam ngày càng giàu mạnh, vững bền”.

Thần Minh Miếu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh là niềm vui, vinh dự, tự hào và cũng là nguyện vọng của người dân địa phương; là công lao của nhiều người qua nhiều thế hệ, trong đó có vai trò của Ban Quản trị qua các nhiệm kỳ; là thể hiện sự quan tâm của ngành chức năng đối với di tích lịch sử – văn hóa địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *