Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” ở hai vùng mặn ngọt Kỳ cuối: Để phát triển bền vững

Tạo hệ sinh thái hài hòa, cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường

Về những giải pháp kỹ thuật để giúp nông dân phát triển mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” trên vùng ngập mặn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, chia sẻ từ tình hình thực tế địa phương: Trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi bất thường, nhiều rủi ro trong sản xuất đã gây không ít khó khăn cho nuôi trồng thủy sản trong tỉnh nói chung, huyện Ngọc Hiển nói riêng, làm cho sản lượng nuôi trồng thủy sản có chiều hướng giảm. Trước tình hình đó, Huyện ủy đã đề ra Nghị quyết 02 phát động nhân dân tận dụng bờ bao, đất trống của vuông tôm để nuôi đa con, trồng đa cây trên cùng một diện tích. Mục đích là tạo hệ sinh thái hài hòa phát triển trên vùng đất ngập mặn và tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, giảm rủi ro trong mô hình độc canh. Cụ thể, nuôi tôm cua kết hợp với nuôi vọp, ốc len dưới tán rừng; trên bờ bao trồng màu và cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, tạo thành mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” độc đáo. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp này, đạt hiệu quả kinh tế cao. Bằng chính thực lực của mình, những tỷ phú chân đất không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều bà con trong vùng, góp phần làm cho nhiều vùng nông thôn ngày thêm trù phú.

Tạo hệ sinh thái cho các vật nuôi cùng hài hòa phát triển dưới tán rừng, cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường, phù hợp kinh tế hội nhập.

Năm 2017, Huyện ủy tiếp tục đề ra Nghị Quyết 05 về nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (giai đoạn 2017 – 2020), tiếp tục tạo hệ sinh thái cho các vật nuôi cùng hài hòa phát triển dưới tán rừng, cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường, phù hợp kinh tế hội nhập. Với vai trò là nòng cốt trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh phong trào nông dân đoàn kết thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội đã phát huy thế mạnh của Quỹ hùn vốn và Quỹ hỗ trợ nông dân, đầu tư vào các mô hình giúp nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô các mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo đầu ra cho hàng hóa.

Hội kết hợp với các ngành chuyên môn tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, phát động cán bộ, hội viên đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Để tiến tới liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản chất lượng trên vùng mặn hiện nay, Hội phối hợp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy – hải sản. Hướng dẫn bà con về loại hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy cách bao bì, mẫu mã, kèm theo đó là yêu cầu truy xuất được nguồn gốc xuất xứ: Sản phẩm của nông hộ, hợp tác xã nào; thời gian trồng, thu hoạch, vận chuyển và cung cấp ra thị trường… để người tiêu dùng có thể truy xuất được chính xác sản phẩm của địa phương, người sản xuất.

Theo ông Lâm, công nghệ đã có sẵn, vấn đề là quyết tâm thực hiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao giá trị nông sản.

Cần giải quyết đầu ra cho nông sản

Còn ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Vùng ngọt hóa Tiểu vùng III – Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt khoảng 54.000ha; trong đó có khoảng 37.000ha lúa, hoa màu, cây ăn trái. Hiện nay mô hình xen canh “Kinh tế 3 tầng sinh thái” đang phát triển mạnh. Cái hay của mô hình này là mỗi loại cây có nhu cầu ánh sáng, dinh dưỡng khác nhau, không cạnh tranh nhau. Khi chăm sóc, bón phân thì các loại cây đều được hưởng nguồn dinh dưỡng. Nhờ xen canh nên nguồn thu nhập cũng ổn định hơn, ví như cam, bưởi, đu đủ bị mất giá thì khóm, chuối, dừa và các loại khác bù lại, không bị thua lỗ. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Hội Nông dân sẽ vận động bà con cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, nuôi cá đồng để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, góp phần phát triển nông thôn mới bền vững.

Cái khó khăn nhất của người nông dân vùng ngọt hóa hiện nay là vấn đề đầu ra cho nông sản.

“Tuy nhiên, cái khó khăn nhất của người nông dân vùng ngọt hóa hiện nay là vấn đề đầu ra cho nông sản. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã giúp giải quyết những vướng mắc trong sản xuất, chế biến, song nông dân trong huyện còn thiếu thông tin thị trường. Do đó, các ngành chức năng cần có các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm kết nối từ nhà sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn. Mặt khác, ngành Nông nghiệp Cà Mau cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp; tạo được liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản”, ông Tuấn đề xuất.

Cũng theo ông Tuấn, để nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng mô hình đa cây – đa con trên cùng một diện tích, các cơ quan chuyên môn cần cung cấp thông tin về giống, các quy trình nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch; thông tin thị trường về nhu cầu thu mua, giá cả, chế biến, phân phối… để nông dân có nhiều kênh thông tin mà chọn đối tác tiêu thụ sản phẩm với giá cả phù hợp theo hướng có lợi cho nông dân.

Với sự quan tâm của các ngành, các cấp địa phương, hy vọng mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa cây – đa con trên cùng diện tích ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, “đầu ra” cho nông sản được thuận lợi hơn. Có như thế, chắc chắn ở hai vùng mặn – ngọt Cà Mau sẽ có thêm nhiều mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” phát triển và có thêm nhiều tỷ phú nông dân, góp phần làm cho diện mạo vùng nông thôn Cà Mau ngày thêm khởi sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *