Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” ở hai vùng mặn ngọt

Kỳ 1: Độc đáo “Kinh tế 3 tầng” vùng ngọt hóa

Cây dừa, khóm được trồng rải rác khắp nơi trong tỉnh, chủ yếu trồng theo các tuyến kênh mương, sân vườn nhà… và không được xem là cây kinh tế chính. Tuy nhiên, gia đình anh Ngô Minh Hon (ấp Kênh Hội, xã Khánh Bình) và nhiều hộ dân vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời rất chú trọng, phát triển thành vườn cũng như có cách làm sáng tạo để phát triển thành mô hình kinh tế 3 tầng: Dừa – khóm – cá đồng trên cùng một diện tích, mang lại hiệu quả bền vững.

500 gốc dừa xiêm lùn của anh Ngô Minh Hon đang bắt đầu cho trái.

Vùng đất Kênh Hội từ những năm 1980 của thế kỷ trước là vùng đất hoang, trũng phèn, chỉ có cỏ năn phát triển mạnh. Nhờ lao động cần cù, chịu thương chịu khó, người dân Kênh Hội đã chinh phục thiên nhiên, phát triển thành làng, xóm.

Chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng anh Ngô Minh Hon và chị Nguyễn Hồng Dưỡng (cùng sinh năm 1971), tại ấp Kênh Hội, cũng là khi mặt trời đã đứng bóng. Nhưng căn nhà của anh chị vắng hoe. Hỏi hàng xóm mới biết, ngay từ sáng sớm, vợ chồng anh đã ra vườn làm việc. Men theo những hàng dừa sai trái là đà trên mặt đất, đan xen với vườn khóm thẳng hàng xa tít, chúng tôi mới tìm được vợ chồng anh Hon – chị Dưỡng đang cặm cụi thu hoạch vụ khóm đầu năm.

Thu hoạch khóm dưới tán rừng dừa.

Là người tiên phong trong phát triển “Kinh tế 3 tầng sinh thái” trong ấp, anh Hon cho biết: Khi mới về Kênh Hội lập nghiệp, đời sống kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, do đất hoang hóa, phèn mặn, lại trũng thấp nên thường bị thiệt hại mỗi khi ngập lụt. Từ khi được Nhà nước quy hoạch Vùng ngọt hóa Tiểu vùng III – Bắc Cà Mau nằm hoàn toàn trong huyện Trần Văn Thời, trong đó có xã Khánh Bình nói chung, Kênh Hội nói riêng, người dân vô cùng phấn khởi. Từ nguồn vốn của Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã áp dụng công nghệ mới vào xây dựng hàng chục cống thủy lợi; tôn tạo đê bao phục vụ việc ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; có cống ngăn mặn xả phèn cũng như hình thành bờ bao… Đặc biệt là người dân có nhiều cách làm sáng tạo để thích ứng với tình hình ngập lụt. Điển hình nhất là sáng chế ra máy bơm để chủ động điều tiết lượng nước thích hợp cho ruộng lúa, vườn cây, ao cá. Nắm bắt cơ hội này, tôi quyết định chuyển mục đích một phần đất trồng lúa sang làm vườn, phát triển kinh tế nông trại.

Nhìn mô hình trang trại gia đình anh Hon, bên ngoài được bao bọc bởi dừa và cây ăn trái xanh mát, bên trong vườn với mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái”. Chị Nguyễn Hồng Dưỡng chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất 4ha lúa, gia đình tôi làm cật lực nhưng thu hoạch cho lợi nhuận không cao (do chi phí giống, thuốc, phân, công làm đất…). Năm 2015, trong ấp có mô hình độc canh trồng dừa của chú Tám Bé phát triển mạnh, nhưng lãng phí đất. Tôi bàn với anh Hon quyết định kê liếp 1,5ha ruộng lúa để trồng dừa xiêm lùn; tận dụng khoảng đất trống và thời gian cây dừa phát triển cho trái, tôi trồng xen thêm cây khóm, sử dụng mặt nước ao, đìa và kênh mương, tôi nuôi đủ các loài cá nước ngọt: Cá lóc, cá bổi, cá tra, tai tượng… mỗi năm thu hoạch hàng tấn cá, tăng thu nhập”.

Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” của gia đình anh Ngô Minh Hon (ấp Kênh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời).

Theo chị Dưỡng, với 1,5ha vườn trồng 600 gốc dừa xiêm lùn, chỉ chưa đầy 3 năm, cây dừa cho trái. Trung bình mỗi cây thu hoạch 3 – 5 buồng/năm; 8 ngàn gốc khóm đặc sản vùng Tắc Cậu (Kiên Giang) trồng khoảng hơn 1 năm là cho thu hoạch. Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” này rất ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng là ăn chắc.

Trưởng ấp Kênh Hội, ông Trần Văn Bé cho biết: “Ấp Kênh Hội mấy chục năm qua người dân nơi đây gắn bó với nghề trồng lúa là chính, thu nhập thăng trầm theo từng năm. Từ khi gia đình anh Hon thực hiện mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” có hiệu quả, hầu hết người dân nơi đây đang phát triển mô hình này. Nhưng tùy theo vùng đất đai thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế mà nuôi trồng các cây – con khác nhau: Chuối – rau má – cá đồng, hay dừa, chuối – cá bổi… thu nhập tương đối cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương rất tốt. Những lúc có giá, một chục dừa từ 80 – 100 ngàn đồng. Còn khóm vụ nghịch có khi hơn 10.000 đồng/trái mà không đủ bán. Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” của gia đình anh Hon được xem là mô hình tiên phong, nổi bật của địa phương trong phát huy hiệu quả kinh tế hộ trên cùng một diện tích, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *