Mô hình trường học bán trú: “Điểm cộng” cho chất lượng giáo dục

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Phường 5) là một trong những đơn vị thực hiện mô hình bán trú ở cấp tiểu học đầu tiên trên địa bàn TP. Cà Mau. Qua 4 năm, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Được thực hiện ở trường từ năm học 2014 với 8 lớp, có 320 học sinh, đến nay phát triển lên đến 20 lớp với 810 học sinh tham gia. Điều này cho thấy, mô hình bán trú đã đáp ứng được nguyện vọng của đa số phụ huynh và học sinh trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu là phải xây dựng và duy trì thương hiệu của đơn vị qua công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh từ những bữa ăn bán trú. Vì thế, mô hình bán trú của đơn vị được tổ chức chặt chẽ, khoa học, lấy an toàn vệ sinh thực phẩm làm tiêu chí hàng đầu để phấn đấu, bên cạnh các chương trình giáo dục, nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh”. Hiện tại, trường có 2 dãy nhà ăn chính. Đến giờ ăn, có thêm 20 giáo viên là chủ nhiệm các lớp trực tiếp chăm lo các em. Sau bữa ăn, các giáo viên nghỉ lại lớp cùng học sinh để tiện cho việc quản lý. Em Trương Khánh Băng, học sinh lớp 4B, chia sẻ: “Vì được ăn, ở, sinh hoạt, học tập tại trường nên học lực của em ngày càng tốt lên. Ngoài giờ học trên lớp, chúng em được các thầy cô hướng dẫn học bài, làm bài tập, cũng như trao đổi kiến thức với các bạn trong nhóm”.

Hiệu quả của mô hình bán trú góp phần thiết thực trong công tác giáo dục trẻ phát triển toàn diện.

Chất lượng các bữa ăn của học sinh tại các lớp bán trú được quan tâm hàng đầu. Các trường hợp đồng với đơn vị cung cấp bữa ăn chế biến sẵn đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng, có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, uy tín. Mỗi suất ăn khi được tiếp nhận và sau khi ăn đều được lưu mẫu qua 24 giờ nhằm kiểm tra chặt chẽ, giám sát bữa cơm hàng ngày của học sinh và kiểm tra chất lượng thực phẩm của đơn vị cung ứng.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Cà Mau đã có 7 trường tiểu học có bán trú, tập trung ở phường 1, 2, 5, 8, 9, với 54 lớp, có 1.709 em học tập. Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: “Xây dựng mô hình trường tiểu học có bán trú đã giảm thiểu được tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng; các trường có thời gian để chăm lo phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, từng bước giáo dục nhân cách và giáo dục toàn diện cho học sinh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng học sinh. Từ đó tham mưu cho thành phố kế hoạch mở rộng mô hình bán trú trên địa bàn”.

Vệ sinh cá nhân trước và sau bữa ăn.

Giường nghỉ trưa của học sinh bán trú.

Ngoài giờ học tập trên lớp, các em còn được tham gia các buổi học tập, sinh hoạt ngoại khóa.

Kết quả đạt được đáng ghi nhận, song vẫn còn những hạn chế: Do nhu cầu ăn bán trú mới xuất hiện những năm gần đây trong khi các trường được xây dựng từ trước đó, nên việc quy hoạch xây dựng bếp ăn, phòng ngủ chưa có.

Với tiêu chí lấy chất lượng làm đầu, mô hình trường tiểu học có bán trú trên địa bàn TP. Cà Mau đã và đang hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhận được sự tín nhiệm cao của phụ huynh. Thời gian tới, nếu được đầu tư xây dựng thêm phòng chức năng, phòng ngủ, bếp ăn cho học sinh… mô hình này sẽ góp phần rất lớn vào công tác giáo dục, chăm sóc trẻ phát triển toàn diện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *