Mô hình ý nghĩa của bộ đội trên địa bàn đứng chân

Đội công tác Đồn Biên phòng Tam Giang Tây trao số tiền gần 1 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Triệu Khắc An (ấp Voi Vàm).

Được phát động, thực hiện từ tháng 4/2020 đến nay tại Đồn Biên phòng (ĐBP) Tam Giang Tây, mô hình “Tiết kiệm tiền lẻ – chia sẻ khó khăn” được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhiệt tình hưởng ứng. Đây là mô hình góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thùng tiền tiết kiệm được đặt ngay lối đi nơi làm việc, để cán bộ, chiến sĩ đơn vị với tấm lòng thiện nguyện, luôn ý thức trong việc góp tiền lẻ mỗi ngày. 2 tháng một lần, những đồng tiền này sẽ được chuyển đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hai xã: Tam Giang Đông và Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển. Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, Chính trị viên ĐBP Tam Giang Tây, cho biết: “Đối tượng được hỗ trợ là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hộ nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn. Những hộ này nếu có ý chí, nghị lực vươn lên, đơn vị sẽ hỗ trợ con giống, cây trồng để phát triển kinh tế”.

Gia đình ông Triệu Khắc An và bà Bùi Thị Liên (ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây) là hộ nghèo đầu tiên được hỗ trợ từ mô hình này. Số tiền gần 1 triệu đồng tuy không lớn, nhưng đó là số tiền lẻ từ 10.000 đồng trở xuống do cán bộ, chiến sĩ của ĐBP Tam Giang Tây gom góp hàng ngày, từ tháng 4 đến tháng 7 và được trao cho gia đình ông bà. Hiện tại, ông An và bà Liên đều đã lớn tuổi, thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Do không đất sản xuất nên hai người phải đi thu mua phế liệu, có những hôm không có tiền mua, phải đi lượm ve chai dọc bờ sông và trên địa bàn dân cư để bán lại, kiếm sống qua ngày. Nhận được sự hỗ trợ và tình cảm anh em bộ đội dành cho gia đình, ông An phấn khởi cho biết sẽ mua gà, vịt nuôi thêm, nếu có dư sẽ làm vốn thu mua phế liệu bán kiếm thêm đồng lời.

Mô hình “Tiết kiệm tiền lẻ – chia sẻ khó khăn” được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Giang Tây nhiệt tình hưởng ứng.

“Ngoài sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, thời gian tới, ĐBP sẽ phối hợp với địa phương vận động các nhà hảo tâm đóng góp thêm để nâng mức hỗ trợ lên cho bà con trên địa bàn”, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm.

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ĐBP Cửa khẩu Cảng Năm Căn phối hợp địa phương tổ chức mô hình ý nghĩa: “Gian hàng 0 đồng”. Gian hàng này được đặt tại nhà bà Võ Kim Vàng, cán bộ phụ nữ ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải. Tuy mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 6 đến nay, được hơn 3 tháng, nhưng số lượng quần áo được người dân đón nhận khá nhiều, khoảng trên 500kg. Bà con lựa thoải mái, người này truyền tai người kia nên số lượng bà con đến gian hàng ngày càng đông. Ông Chung Thành Công, Trưởng ban Nhân dân ấp Trại Lưới B, cho biết: “Ấp hiện có 320 hộ dân, nhưng đa số là hộ nghèo từ các vùng ven biển, ven rừng về đây tái định cư. Đất đai, nghề nghiệp, phương tiện, cơ sở làm ăn không có, nên bà con sinh sống chủ yếu nhờ vào mò cua, bắt ốc, giăng lưới. Làm ngày nào thì chỉ đủ ăn cho ngày đó, không có tích lũy nên mỗi khi mưa bão không đi làm được thì bà con càng gặp khó khăn”.

Trung tá Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Góp một phần trách nhiệm cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức xây dựng hàng chục căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ các gia đình chính sách; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn đóng quân. Chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó từ số tiền do anh em tiết kiệm mỗi ngày, từ lao động tăng gia sản xuất. Nhờ đó mà trong những năm qua, các đơn vị đã giúp đỡ được hàng chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Với người lính quân hàm xanh nơi cực Nam Tổ quốc, niềm vui lớn nhất là giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, chủ quyền biên giới vùng biển, đảo luôn được giữ vững; người dân nơi biên giới an tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *