“Mở lối” cho lao động

Tại Hội nghị tổng kết Đề án giai đoạn 2018 - 2020 vừa qua, có 12 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao Bằng khen cho các cá nhân.Tại Hội nghị tổng kết Đề án giai đoạn 2018 – 2020 vừa qua, có 12 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao Bằng khen cho các cá nhân.

Kết quả khả quan

Cà Mau có tổng dân số gần 1,2 triệu người; trong đó có số lượng lớn người bước vào độ tuổi lao động cùng với số lượng bộ đội phục viên, xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp THPT, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm đông… Trước những sức ép về việc làm và thu nhập, Đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) ra đời là chiếc phao cho những lao động đang cần việc.

Để Đề án đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành có liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền. Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tạo điều kiện; các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tích cực tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có thể nói, Đề án XKLĐ và các chính sách hỗ trợ đã đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.

Kết quả thực hiện đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020,  có 758/1.000 lao động xuất cảnh, đạt 75,8% kế hoạch.

Là một trong những hộ có con đi XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, ông Phạm Văn Thống (Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Con trai tôi tốt nghiệp đại học ngành xây dựng năm 2015, nhưng không tìm được việc làm. Sau khi được chính quyền địa phương tư vấn và tìm hiểu thông tin thị trường XKLĐ, gia đình tôi bàn bạc, nhận thấy đây là cơ hội để con tôi tham gia nhằm tăng thêm thu nhập và nâng cao kiến thức cho bản thân. Sau khi hoàn tất thủ tục, con trai tôi được học tiếng Nhật tại Công ty Hoàng Hà trong thời gian 8 tháng, được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo là 13,8 triệu đồng. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay số tiền trên 100 triệu đồng để gia đình làm thủ tục xuất cảnh”.

Điều làm cho ông Thống an tâm hơn là khi qua Nhật Bản, con ông được bố trí chỗ ăn ở ổn định, đảm bảo an ninh. Ông Thống phấn khởi: “Hiện con tôi đang làm việc đúng chuyên ngành được học là xây dựng, thời gian làm việc 8 giờ/ngày. Thu nhập bình quân 50 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí, bảo hiểm, hàng tháng còn gửi về cho gia đình được 25 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đã trả gần xong khoản vay ngân hàng và xây được căn nhà cấp 4, cuộc sống gia đình đã ổn định”.

Một điều phấn khởi tại Đề án này là trong tổng số lao động xuất khẩu, có tới 51 lao động là du học sinh vừa học vừa làm. Theo kế hoạch, năm 2020 có 250 lao động là du học sinh được XKLĐ, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động XKLĐ phải tạm dừng. Có thể thấy, tính nhân văn của Đề án là rất cao, ngoài việc giúp cho lao động tăng thu nhập, đề án còn tạo điều kiện cho nhiều sinh viên được du học bằng chính sức lao động của mình, để nâng cao kiến thức. Không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn có điều kiện lo cho gia đình và cống hiến cho xã hội sau này.

Lao động rất cần được quan tâm đào tạo nghề, đây là điều kiện tham gia Đề án, là hành trang tốt nhất cho người lao động bước vào đời.Lao động rất cần được quan tâm đào tạo nghề, đây là điều kiện tham gia Đề án, là hành trang tốt nhất cho người lao động bước vào đời.

Phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Từ Hoàng Ân: “Tuy công tác tuyên truyền XKLĐ được phối hợp tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhưng từng lúc chưa xoay chuyển được tư duy, nhận thức của bộ phận người dân, lao động. Một số gia đình cũng muốn cho con tham gia XKLĐ, nhưng do kinh tế khó khăn và kinh phí chi ban đầu tốn kém, sau khi đậu phỏng vấn, cần nộp trước cho công ty từ 23 – 30 triệu đồng, nên nhiều người chưa tham gia được. Ngoài ra, tâm lý của người lao động vẫn còn e ngại khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tác động của gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm lý lao động sau khi đã xuất cảnh. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng một số người lao động tự ý phá vỡ hợp đồng, bỏ về nước trước thời hạn”.

Huyện Trần Văn Thời có số lao động đi XKLĐ khá cao, số lao động đăng ký tham gia Đề án là 223 lao động, xuất cảnh được 73 lao động. Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Võ Quốc Thống cho biết: “UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với các xã, thị trấn kết nối với từng hộ gia đình có con, em đi lao động nước ngoài, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe lao động, điều kiện sống, thu nhập hàng tháng, thực hiện tốt việc phòng ngừa dịch bệnh, chấp hành tốt quy định của công ty, pháp luật sở tại. Qua rà soát và kết nối, số lao động đi làm việc nước ngoài sức khỏe đảm bảo, không có lao động bỏ trốn, thu nhập ổn định, hàng tháng có gửi tiền về cho gia đình từ 18 – 20 triệu đồng”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, hiện cái khó hiện nay là công tác tiếp cận đối tượng là học sinh tại các trường THPT. Hầu hết các em vẫn chưa tiếp cận được Đề án này. Đây là tiềm năng rất lớn. Hiện huyện phối hợp với các trường phân luồng học sinh, tiếp nhận danh sách học sinh, sinh viên có nhu cầu xin đi XKLĐ, du học sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh sau THCS đi học nghề, nâng cao trình độ văn hóa, bồi dưỡng ngoại ngữ cho người có nhu cầu đi XKLĐ và du học.

“Đây không chỉ là cái khó của riêng huyện Trần Văn Thời, mà là rào cản chung của các huyện khác. Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung và về lĩnh vực đưa lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn nói riêng không chỉ là sự quan tâm của các cấp, ngành mà đã trở thành mối quan tâm của cả cộng đồng xã hội. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cần quan tâm tổ chức chỉ đạo thường xuyên và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để có giải pháp chỉ đạo kịp thời ở thời điểm hiện tại và trong những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng nhấn mạnh.

Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết, năm 2020, chỉ tiêu đề ra là 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bước đầu thực hiện có nhiều triển vọng tích cực, đến hết Quý I/2020, đã có 47 lao động xuất cảnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động xuất khẩu lao động phải tạm dừng, người lao động không thể xuất cảnh kéo dài đến thời điểm tháng 8/2020, tình hình dịch bệnh mới tạm thời ổn định, các hoạt động trở lại, nhưng thị trường lao động nước ngoài chưa ổn định nên công tác xuất cảnh còn hạn chế. Song, công tác tạo nguồn chuẩn bị cho hoạt động đưa lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài vẫn được các đơn vị phối hợp thực hiện. Kết quả vận động, tuyên truyền, phân luồng học sinh, có 299 em đăng ký; phối hợp rà soát nhu cầu lao động xã hội có số lao động đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài là 87.597 người, trong đó nhu cầu đăng ký 7.180 người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *