Mỏi mòn chờ điện, nước

Hằng ngày, anh Huỳnh Văn Sử phải đi “xin” nước về để sinh hoạt.

TỪ XIN CHIA HƠI ĐIỆN…

Ấp 1 có 211 hộ dân sinh sống, trong đó có 16 hộ tạm trú. Tuy giáp ranh thị trấn U Minh nhưng gần 15 năm qua, có đến 62 hộ trong ấp phải sử dụng điện chia hơi, tập trung ở 3 tuyến: Ngọn Bà Thầy, tuyến Chủ Huệ và tuyến Kinh Tư.

Gia đình ông Trần Văn Nhì, tuyến Ngọn Bà Thầy, dùng điện chia hơi từ năm 2001 đến nay, mơ ước của gia đình ông là được sử dụng tủ lạnh, nhưng xa xỉ quá, bởi không phải vì không có tiền mua mà vì điện yếu không đủ để vận hành. Ông Nhì bức xúc: “Gia đình tôi chia hơi điện cách đây 400m, có hộ còn xa hơn nữa 600 – 700m. Giờ cao điểm muốn xem tin tức, thời sự trên ti vi cũng không được vì điện quá tải, còn bóng đèn thì bị hư liên tục”.

Ông Trần Văn Nhì sửa lại những cây đèn măng xông, phòng khi cúp điện hoặc điện yếu không đủ thắp sáng.

Chấp nhận giá điện chia hơi đã cao, song người dân nơi đây còn phải chịu thêm cảnh trả luôn tiền sử dụng điện của gia chủ. Vì thế, gần 15 năm sử dụng điện chia hơi, gia đình ông Nhì phải dời đi “xin” điện của 4 gia đình. Bên cạnh đó, vẫn biết những rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng điện chia hơi nhưng người dân cũng không còn cách nào khác hơn.

Ông Võ Văn Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích: “Trước tình trạng nhiều hộ dân sử dụng điện chia hơi, địa phương có yêu cầu, kiến nghị với huyện cũng như tỉnh khảo sát kéo điện cho bà con. Tuyến này được khảo sát rồi, nhưng còn chờ kế hoạch đầu tư. Xã cũng có dự án phát triển sáng tạo xanh phục vụ thắp sáng bằng pin, đã khảo sát báo cáo dự án để hỗ trợ cho bà con trên tuyến, giải quyết khó khăn trong thời gian chờ kéo điện lưới quốc gia”.

Trong 3 tuyến chưa được hạ thế lưới điện thì tuyến Kinh Tư còn chịu thêm cảnh không đường. Đoạn đường dài gần 2km nhưng hơn chục năm qua vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Năm 2015, có 35 hộ dân nơi đây mỗi hộ hùn hơn 800.000 đồng để đổ đá, cát làm đường cho con em đi học. Mùa mưa năm nay, mỗi hộ lại phải hùn thêm 300.000 đồng để lấp thêm chỗ đá, cát bị sụp lún.

Đài nước bị hư hỏng nặng, không còn sử dụng được nữa.

… ĐẾN XIN NƯỚC

45 hộ ở tuyến bên Đông sông Cái Tàu, đoạn từ rạch Cây Khô xuống Kinh Phú Ẻm, đang chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Năm 2006, người dân nơi đây sử dụng đường ống dẫn nước từ bồn nước sạch đặt ở Ấp 2, xã Nguyễn Phích. Bồn nước này do Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh lắp đặt. Sau vài năm sử dụng, đường ống xuống cấp, máy bơm nước bị hư, người dân đã hùn tiền sửa chữa nhiều lần, rồi sau đó không sửa chữa được nữa. Hơn 3 năm nay, 45 hộ dân trên tuyến này phải chấp nhận cảnh đi gần 1,5km để xin từng can nước sạch ở những hộ có khoan giếng nước.

Bà Đỗ Thu Thủy, Ấp 1: “Có khi đi vỏ, có khi lấy xe máy đi chở nước về. Can 30 lít nước, xài rất hà tiện, chỉ dùng để rửa chén, nấu cơm. Nước giếng mới bơm lên trắng, nhưng lát sau thì nó đục lại, mặn chát. Mùa nắng, thiếu nước, xài đại nước mặn chứ biết tính sao”. Ông Phạm Tư, Trưởng Ban Nhân dân Ấp 1: “Khoan cỡ 250m coi như không có nước ngọt, trong đó là mặn rồi phèn đỏ, độ mặn 3-4‰”.

Mùa mưa thiếu lộ, mùa nắng thiếu nước là chuyện thường ngày ở ấp và người dân nơi đây chịu vất vả trong sinh hoạt nhiều năm nay. Bên kia sông là thị trấn, có lộ xe thông thoáng, đèn điện sáng; còn ở bên đây sông, trời nóng, quạt còn không dám mở.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện, ông Dư Bé Ba cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với ngành Điện lực đã cử nhiều đoàn đến kiểm tra và khảo sát, nhưng hiện còn thiếu kinh phí để đầu tư. Huyện sẽ cố gắng để người dân sớm có điện thắp sáng và nước sạch sinh hoạt”.

Người dân Ấp 1 vẫn đang từng ngày chờ sự đầu tư từ các cấp, các ngành để có điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *