Món ngon dân dã xứ Cà Mau

Nhớ hương vị mắm cá

Mắm cá sặt, cá lóc đồng vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời và miệt rừng U Minh Hạ, gọi chung là mắm đồng U Minh cho dễ nhớ. Dừng chân ở khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, nằm sâu trong khu rừng tràm 60ha (xã Khánh Bình Tây Bắc – huyện Trần Văn Thời), từ đường chính (đường nội bộ ống dẫn khí MP3) vào khoảng 500m, chỉ có con đường nhỏ gia chủ làm bằng xi măng, rộng chừng 50cm. Thím Mười Ngọt chủ quán giới thiệu về nguyên liệu làm mắm rất đơn giản, đó là mắm cá sặt và cá lóc đồng làm từ mùa tát đìa năm trước, để năm sau mới giở ra dùng. Gia vị nấu món mắm được trồng tại chỗ: Sả, ngải bún, nước dừa tươi, kèm theo các món rau rừng xứ U Minh: Đọt choại, lá cách, nhãn lồng, rau dừa, rau muống, bông súng… “Nói chung là những thứ gia vị mộc, không có gì gọi là bí quyết để làm nên lẩu mắm độc tôn. Có chăng mọi người khen lẩu mắm của tôi ngon là nhờ các loại cá đồng: Rô đồng, cá lóc, lươn rừng… Sau chuyến khám phá, đặt lờ, giăng lưới, lấy mật ong rừng quanh khu sinh thái, du khách đói bụng, nên thưởng thức cảm thấy ngon!!!”. Đó là câu nói đùa của Thím Mười, chứ thật ra những nguyên liệu từ con cá đồng chế biến thành lẩu mắm đồng không chê vào đâu được.

Món mắm đồng U Minh đậm đà hương vị miền quê.

Vì sao nắm đồng U Minh nổi tiếng? Đầu tiên phải kể đến nguyên liệu làm ra nó, đó là cá đồng sinh sản tự nhiên ở ruộng, ở rừng. Kế đến là khung cảnh hữu tình để thưởng thức món dân dã: Nhà sàn cất bên rừng tràm hương thơm ngan ngát, trên là rừng tràm, cây trái, dưới tán rừng là “vương quốc” cá đồng. Thưởng thức món ăn giữa một nơi như thế, hỏi sao không ngon.

Bên cạnh mắm đồng, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến mắm mồng gà, mắm cá sơn, mắm cá chim trắng miệt biển. Lặn lội khắp miền quê Cà Mau từ xứ rừng U Minh ngọt hóa, đến xứ biển phù sa Mũi Cà Mau; tôi từng khám phá cảnh tát đìa bắt cá nước ngọt, rồi cách đóng đáy, đánh bắt cá sơn, cá mồng gà và chứng kiến cảnh nhộn nhịp làm mắm miệt Năm Căn – Ngọc Hiển, tôi mới nghiệm ra: Làm mắm cá đồng phải là cá mùa dứt mưa (tầm tháng Chạp, tháng Giêng). Mùa này cá mập và thịt thơm ngon; còn mắm cá biển (cá sơn, cá mồng gà) thì quá trình làm ra con mắm rất công phu: Muối thì phải là nuối đen vùng Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) hay Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) mới có độ mặn từ dòng nước tinh khiết của biển Đông. Rồi cá phải cắt đầu từng con, làm xong phải “dọt” sạch vảy mới cho vào muối…

Qua từng địa danh nhớ hoài món ngon dân dã

Bản chất của người Cà Mau là trọng tình, trọng nghĩa, hiếu khách, thật thà, đôn hậu. Bởi thế, những địa chỉ trong hai quyển sách du lịch nói trên, chắc đi hoài không hết Cà Mau. Cứ qua những cánh rừng tràm U Minh hương thơm bát ngát lại được trải nghiệm nét đẹp Hòn Đá Bạc – nơi có cây cầu nối từ đất liền ra hòn dài hàng trăm mét. Cụm Hòn Đá Bạc gồm 3 hòn nằm cạnh nhau vài chục mét. Những viên đá ngập nước là nơi trú ngụ của nhiều loài cá nâu, cá bống mú, hàu sữa… toàn là những đặc sản trứ danh mà các hàng quán nơi đây tự hào mang món quê lên bàn tiệc, định danh cho nó bằng tên rất dân dã: Cá nâu kho trái giác, cá bống mú kho tương, hàu sữa nướng, hàu tái mù tạt… để khi mỗi món xếp lên bàn ăn, món nọ phụ món kia, chỉ nhìn thôi đã thích.

Cá bống mú chưng tương – đặc sản vùng biển Cà Mau.

Đến Lung Tràm, nơi có di tích Bác Ba Phi huyền thoại cùng những truyện cười trứ danh tại địa phận xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, nào là: Nếp dẻo, Lúa nở ngầm, Câu ếch, Chiếc tàu rùa… Hàm chứa trong những truyện cười ấy là cả những câu chuyện trù phú về sản vật của đất rừng U Minh.

Đi hoài không hết Cà Mau, bởi nơi nào cũng thấy vương vấn cái tình, cái nghĩa, như chính quê hương của mình vậy: Đến Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) – xứ sở của món dưa bồn bồn; đến Năm Căn mấy ai không nhớ con cua biển; qua vàm Ông Quyền, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) thưởng thức mắm cá sơn Ngọc Chuyển nổi danh khắp vùng; hay hàng trăm hộ dân ở Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) bám biển đánh bắt cá khoai để mỗi chuyến về làm ra đặc sản khô khoai nức tiếng; truyền kỳ về loại mắm ba khía của cơ sở Châu Sang (Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cùng hơn 20 cơ sở sản xuất ba khía muối, hàng trăm hộ dân sản xuất nhỏ lẻ. Nghề muối ba khía vừa được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Cá bống kho khô – món ngon dân dã miền Đất Mũi.Món hàu sữa thơm ngon ở Hòn Đá Bạc.

Mỗi món ăn, người dân Cà Mau thường tự hào gắn với tên đất, tên quê, để khi ra về, du khách vẫn nhớ. Nhớ từng keo mắm đồng, ba khía muối, dưa bồn bồn, chai mật ong… thắm đẫm tình người tình quê miền cuối đất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *