Món ngon “nhà làm” lên ngôi

Bánh bông lan – món ngon không thể thiếu trong những ngày vui xuân đón tết.

Các món như: Cốm gạo, mứt cau, mứt gừng, bánh bông lan, bánh kẹp, bánh phồng tôm… luôn là sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn cho 3 ngày tết.

Cốm gạo Tân Thành đang dần khẳng định thương hiệu.

Cốm gạo Tân Thành – hương vị đồng quê

Vài năm trở lại đây, làng cốm Tân Thành (xã Tân Thành, TP. Cà Mau) trở nên nổi tiếng hơn vì được nhiều người biết đến. Khác với cốm dẹp, cốm ống Trà Vinh được làm từ gạo nếp non, cốm ở phường Tân Thành được làm từ gạo tẻ, hoàn toàn không sử dụng chất phụ gia, chất tạo màu nhưng vẫn có hương vị riêng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm cốm gạo, bà Hồ Thị Loan (ở Ấp 4) cho biết: “Bình quân 1,7kg gạo được 1,5kg cốm. Trước khi đem đi ngào đường, người thợ phải rang cốm nổ trong chảo cho hạt cốm đạt độ giòn nhất định thì bánh cốm thành phẩm mới giòn, ngon và bảo quản được lâu. Công đoạn ngào cốm sẽ quyết định mẻ cốm ngon hay dở. Trước hết, người thợ sẽ tạo caramen từ đường mía trong chảo khá to, sau đó cho đậu phộng, gừng, chanh, dầu ăn, mạch nha, nước từ 15 – 20 phút”. Đây là bí quyết tạo nên hương vị riêng cho làng cốm Tân Thành, bởi không phải ai cũng có thể canh lửa cốm cho vừa độ, điều đó còn đòi hỏi tay nghề của thợ dày dạn kinh nghiệm.

Mứt cau kiểng được ưa chuộng và chọn làm món đãi khách trong những ngày tết.

Mứt cau kiểng  – món ăn dân dã

Cau kiểng có trái nhỏ, khi già có màu đỏ. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình lấy ruột cau làm mứt, dùng hằng ngày và nhất là dành đãi khách vào những ngày tết.

Theo chị Huỳnh Kim Sa (ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi): Quả cau từ khi đậu quả tới khi hái làm mứt được, khoảng hơn 5 tháng. Bóc vỏ lấy ruột cau ngâm chung với nước cơm mẻ, với tỷ lệ 1 – 1 cho đến khi ruột cau trắng hoàn toàn. Sau đó rửa lại với nước mưa. Tiếp tục đun nước mưa luộc lại cho đến khi ruột cau không còn chát. Sau đó rửa lại với nước mưa, để ráo nước. Trộn 1kg ruột cau với 700g đường cát trắng. Rồi mang ra phơi nắng cho tới khi hột cau khô lại và dẻo là ăn được.

Bánh phồng nếp có giá từ 20-25 ngàn đồng/chục.

Bánh phồng nếp báo hiệu mùa xuân

Nghề làm bánh phồng nếp hiện nay vẫn còn ở xã Tân Đức (huyện Đầm Dơi). Trước đây, nhà nào cũng có nếp, khi gần tết, vài nhà đổi công, gom nếp lại cùng quết bánh ăn tết; hoặc đem nếp thuê làm, cứ 6 ký nếp, 2 ký đường, tiền công chỉ 5.000 đồng/cối. Mỗi nhà cứ 2 – 3 cối bánh ăn tết, nhộn nhịp cả xóm. Hiện nay, do đã có bột nếp sẵn, chỉ cần mua về nấu và mang ra cán bánh, không phải trải qua nhiều công đoạn như cách làm truyền thống.

Để có bánh phồng ngon, ngoài khâu làm bột, trộn đường… thì cán bánh cũng là khâu quan trọng, vì phải cán đều tay để bánh đạt độ dày vừa phải và tròn. Theo kinh nghiệm một số người làm nghề: Cán bánh phồng nếp phải có thêm nguyên liệu là sáp mật ong nấu với dầu. Đây là “bí kíp” để bánh không dính và có mùi vị thơm ngon hơn so với các loại bánh khác. Bánh phồng nếp có 2 loại: Một loại để cuốn dừa và một loại để nướng. Trung bình mỗi chục bánh có giá từ 20 – 25 ngàn đồng.

Tết đang gần kề, hương bánh phồng nếp thơm nồng thoảng đưa, cùng mùi vị bánh bông lan nướng, bánh kẹp… thơm lừng bay khắp ngõ xóm, như góp thêm hương xuân tràn ngập nơi đây. Xã hội ngày càng tiến bộ, con người ta lại càng nhớ về hương vị của những ngày thơ, cũng vì vậy mà những món ngon nhà làm mang đậm hương vị quê nhà ngày càng lên ngôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *