Một số địa phương, thiếu sự quan tâm của người đứng đầu…

Thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 15 người, bị thương 41 người. So với cùng kỳ, tăng về số vụ và số người bị thương, nhưng giảm về số người chết (tăng 10 vụ, giảm 3 người chết và tăng 6 người bị thương).

Đối với các vụ TNGT đường bộ, phần lớn đều có liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông: Vi phạm phần đường, làn đường (33,3%); vi phạm quy tắc giao thông (19,4%); không nhường đường (8,3%); quá tốc độ (5,6%). TNGT có liên quan đến người điều khiển phương tiện uống rượu, bia (11/36 vụ, chiếm 30,5%). Đối với đường thủy nội địa, các vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, người lái phương tiện đi đêm không đèn chiếu sáng (vi phạm quy tắc giao thông xảy ra 2 vụ, chiếm 66,7%).

Tỷ lệ TNGT trên tuyến quốc lộ vẫn còn ở mức cao (61%), khu vực nông thôn chiếm 30,6%. Phương tiện mô tô, xe gắn máy tăng nhanh, tỷ lệ tăng hàng năm trên 10%, trong khi kết cấu hạ tầng đường bộ phát triển chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng phương tiện hiện nay.

Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT, buông lỏng địa bàn. Điển hình là việc tổ chức Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) chưa đảm bảo ATGT; hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch tại Khu du lịch Mũi Cà Mau chưa đảm bảo quy định về điều kiện phương tiện, người điều khiển phương tiện. Xuất hiện tình trạng tổ chức tham quan du lịch bằng đường thủy dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh không đảm bảo ATGT. Cầu dẫn ra Khu du lịch Hòn Đá Bạc hư hỏng, chậm khắc phục, sửa chữa.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, 6 tháng đầu năm, người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, buông lỏng địa bàn. Điển hình là việc tổ chức Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Sông Đốc, chưa đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở khu vực nông thôn khá nhiều, trong khi thẩm quyền của công an xã là không được xử lý vi phạm. Lực lượng trực tiếp làm công tác tuần tra, kiểm soát khá mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu về công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ vào các khung giờ từ 18 đến 5 giờ.

Công tác quản lý tuyến, địa bàn của lực lượng chức năng còn lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện tụ tập thành nhóm rú ga, phóng nhanh, lạng lách trên đường, gây hoang mang đối với người tham gia giao thông; đã xảy ra 1 vụ đua xe trái phép trên địa bàn. Công tác kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tuy được triển khai quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng nể nang đối với cán bộ, công chức. Chưa tổ chức kiểm soát đối với những tuyến, địa bàn trọng điểm có nhiều nhà hàng, quán nhậu.

Chế tài xử lý xe hợp đồng trá hình theo Nghị định số 46 của Chính phủ còn thấp, mức phạt trung bình từ 800 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe đối với chủ phương tiện. Việc xử lý tước phù hiệu xe hợp đồng trá hình còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là phương tiện vi phạm do tỉnh khác quản lý, khi Sở Giao thông vận tải Cà Mau có văn bản đề nghị tước phù hiệu thì tỉnh quản lý phương tiện không tước, nên phương tiện tiếp tục tái phạm và tỉnh Cà Mau rất khó xử lý dứt điểm xe hợp đồng trá hình.

Hiện nay, trên một số địa bàn xã, phương tiện xe ô tô 4 – 7 chỗ hoạt động theo tài, chuyến cố định, đưa rước tận nhà (trá hình xe gia đình) rất khó khăn trong kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị để xử lý.

Vẫn còn một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ trên phần đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay còn 61 trường hợp chưa xử lý dứt điểm, điển hình là TP. Cà Mau 35 trường hợp, huyện Thới Bình 25 trường hợp. Nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông, đến nay tình trạng tái chiếm diễn ra ở nhiều nơi. Trong 6 tháng qua, rất ít địa phương ra quân giải tỏa. Việc thông qua phương án giải tỏa đáy cá trên sông của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn còn chậm, gây khó khăn trong công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông của các địa phương…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *