Mùa hến mũi Cà Mau

Đãi hến trước khi cân cho thương lái.

Trên các bãi cát pha lẫn bùn khu vực Khai Long, Ấp Mũi, Bãi Bồi, cồn Ông Trang, hiện có nhiều ngư dân dùng phương tiện vỏ lãi tấp nập theo các cửa sông, lạch để cào bắt hến.

Dụng cụ do người dân sáng chế dùng cào hến.

Theo anh Đức ở Rạch Thọ, phương tiện cào hến gồm bàn cào, được chế tạo bằng sắt hình tam giác, gắn với miệng lưới dài khoảng 3 – 5m. Cào hến là một nghề rất vất vả, cần có sức dẻo dai. Khi con nước ròng, bãi còn độ sâu vài tấc nước là thời điểm thích hợp cho việc cào hến. Thường người ta đi cào từ 3 giờ sáng đến trưa; thời gian còn lại, mọi người đãi hến cho sạch để cân cho thương lái.

Mỗi ngày người dân Đất Mũi cào được vài tấn hến.

Nghề cào hến ở Đất Mũi không dùng sức người mà dùng vỏ lãi chạy máy xe để kéo bàn cào trên vùng đất bãi bồi, vì vậy lượng hến cào được sẽ nhiều và ít tốn công hơn. Khi đầy cào, người ta kéo lên đổ vào khoang xuồng. “Hôm nào trúng, cũng được vài trăm ký. Bình quân mỗi ký hến giá từ 5 – 8 ngàn đồng, tùy theo thời điểm. Ở ấp Khai Long, một người cào hến giỏi bình quân mỗi ngày thu nhập hơn một triệu đồng”, anh Đức nói.

Ngư dân ấp Khai Long với nghề cào hến.

Theo các thương lái thu mua hến ở Đất Mũi: Hến được vận chuyển lên các tỉnh, thành phố bán cho các chủ chăn nuôi làm thức ăn cho vịt hoặc làm mồi cho lươn. Loại hến lớn được luộc lấy thịt tiêu thụ ở các chợ. Mấy năm gần đây, nhờ phong trào chăn nuôi gia cầm và nuôi lươn phát triển mạnh ở ĐBSCL nên giá hến cũng tăng theo. Ngoài ra, hến là món ăn dân dã nhưng thịt rất ngon, ngọt. Thịt hến chế biến được nhiều món ăn phổ biến hàng ngày: Cơm hến, hến xào mỡ hành, xào sả ớt, canh hẹ, gỏi hến bắp chuối…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *