Năm 2019: “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”

Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, hoạt động đảm bảo TTATGT năm nay phải tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn ngay từ đầu năm và cả năm 2019. Xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng, quý.

Các nhiệm vụ trọng tâm được Cà Mau đặt ra là thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch đã được ban hành trước đó (Trung ương và địa phương); ban hành văn bản quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo TTATGT. Xử lý nghiêm các vi phạm TTATGT. Xác định việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí đánh giá cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

Song song đó, phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện với môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.

Năm 2019, căn cứ từng thời gian và tình hình cụ thể, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh sẽ mở cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, tổng kiểm soát hành chính các phương tiện giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường thủy nội địa.

Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường thủy nội địa, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng. Phải ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 29 người, bị thương 93 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 6 vụ, giảm 4 người chết và giảm 15 người bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 68 vụ, chết 21 người, bị thương 93 người. Đối với đường thủy, xảy ra 7 vụ, làm chết 8 người.

Theo Ban ATGT tỉnh, phương tiện gây TNGT do xe máy chiếm 63,9%, liên quan đến xe ô tô chiếm 27,9%. Mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực trong đảm bảo TTATGT, kết quả đạt được rất đáng khích lệ, song công tác này đã qua nhìn tổng thể vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số vụ vi phạm quy định pháp luật về TTATGT còn cao, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn; chủ yếu là: Lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định về tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; tình trạng trẻ em tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả mô tô khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định.

Một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc trong công tác chỉ đạo, điều hành về bảo đảm TTATGT, điển hình là đến nay các địa phương chưa xử lý xong các trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải tỏa vật chướng ngại trên sông; xe hợp đồng trá hình, bến bù, bến “cóc” vẫn còn hoạt động trên một số địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *