Năm Căn dồn sức cho các ngành hàng chủ lực

Hoàn thiện thương hiệu đặc trưng

Xã Hàng Vịnh đứng đầu ở huyện Năm Căn về số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh bánh phồng tôm trên địa bàn. Đây cũng là sản phẩm được địa phương chọn thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Vì vậy, các cấp, các ngành đã quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở này đầu tư máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Cơ sở Phúc Nhân (Ấp 2, xã Hàng Vịnh) có hơn 15 năm gắn bó với nghề làm bánh phồng tôm. Trước đây, cơ sở sản xuất nhỏ, chỉ tiêu thụ trong tỉnh và sản xuất theo mùa vụ. Được sự quan tâm của các cấp, giúp cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố phía Nam để tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó sản phẩm của cơ sở đã được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Năm 2017, sản phẩm bánh phồng tôm của cơ sở Phúc Nhân được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bà Lưu Bích Liên, chủ cơ sở cho biết, năm 2018, sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 5 tấn/tháng; trong những tháng cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, nhu cầu của khách hàng tăng cao, lượng đơn đặt hàng nhiều, trong khi năng lực sản xuất của cơ sở chưa được cải thiện, cung không đủ cầu.

Qua thực tế khảo sát lập đề án, Trung tâm Khuyến công tỉnh (thuộc Sở Công thương) tiến hành bàn giao thiết bị sấy bánh phồng tôm ứng dụng năng lượng mặt trời cho cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Phúc Nhân. Tổng vốn đầu tư trên 490 triệu đồng, trong đó Đề án Khuyến công tỉnh năm 2019 hỗ trợ 178 triệu đồng, còn lại là đối ứng của cơ sở. Với diện tích sử dụng 80m2, công suất thiết kế 320kg nguyên liệu/lần sấy/8 giờ, bình quân công suất sản xuất 5.200kg sản phẩm/tháng. Qua thời gian vận hành thử nghiệm, lợi nhuận tăng lên gần 20 triệu đồng/tháng. Dự kiến khoảng 9 tháng sẽ hoàn vốn đầu tư ban đầu. Bà Lưu Bích Liên chia sẻ thêm: “Nếu có nắng tốt, phơi ngoài sân cũng hai ngày mới xong, còn đưa vô thiết bị sấy này thì chỉ cần 8 tiếng là khô, đảm bảo yêu cầu. Tiện ích là đỡ tốn công, tốn sức hơn; trước đây phơi một ngày mấy trăm ký bánh phải thuê thêm mấy người làm phụ, bây giờ có máy này thì nhẹ được tiền nhân công”.

Việc đầu tư hệ thống thiết bị sấy bánh phồng tôm ứng dụng năng lượng mặt trời sẽ phục vụ tốt quá trình sản xuất cho cơ sở. Từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới sản xuất sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng khép kín. Đồng thời, giúp cho cơ sở chủ động hơn trong khâu sản xuất, không phụ thuộc vào thời tiết, giúp giảm chi phí.

Đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị sấy bánh phồng tôm được triển khai góp phần hỗ trợ cơ sở Phúc Nhân hoàn thiện quy trình và chủ động trong các khâu sản xuất. Đặc biệt là duy trì và phát triển nghề sản xuất bánh phồng, nâng cao giá trị thương hiệu bánh phồng tôm xã Hàng Vịnh nói riêng, huyện Năm Căn nói chung đến với người tiêu dùng.

Được biết, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Hàng Vịnh chọn sản phẩm bánh phồng tôm để thực hiện. Chính vì vậy, đề án còn có ý nghĩa thiết thực, giúp địa phương từng bước xây dựng hoàn thiện thương hiệu đặc trưng, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế.

Bánh phồng tôm – thế mạnh và là sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bền vững các mô hình kinh tế tiêu biểu

Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, nhiều hộ dân vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm đũa đước. Bởi với họ, nghề này không chỉ giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của vùng đất Năm Căn. Hiện nay, trên thị trường các sản phẩm đũa được làm và thiết kế rất phong phú, đa dạng từ nhiều chất liệu khác nhau: Nhựa, hợp kim nhôm, tre, dừa, gỗ… Trong đó, sản phẩm đũa được làm từ gỗ đước luôn là lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng và du khách mỗi khi có dịp về với Năm Căn.

Nhiều hộ làm đũa chia sẻ dựa vào đặc tính nổi trội của cây đước là thân thẳng, không bị mối mọt, có độ cứng và bền hơn nhiều so với một số gỗ khác, nên sản phẩm đũa đước không chỉ được thị trường trong tỉnh ưa chuộng mà ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã trở thành thị trường chính.

Trước đây, tất cả các công đoạn đều làm thủ công, tốn rất nhiều thời gian, công sức và sản phẩm cung ứng ra thị trường thấp. Do đó, người làm đũa đã tự mày mò sáng chế ra máy, rút ngắn công đoạn. Nhờ vào khả năng sáng tạo và sự hỗ trợ của máy móc, số lượng đũa làm ra ngày càng nhiều, chất lượng đồng đều hơn so với làm bằng tay. Mỗi ngày trung bình những hộ làm đũa cho ra thành phẩm 3.000 đôi, với giá bán dao động từ 22 – 27 ngàn đồng/chục, trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi hơn 120 triệu đồng.

Thời gian qua, xuất phát từ một số hộ dân nuôi tôm tít lồng tại xã Lâm Hải mang lại hiệu quả, từ đó đã có nhiều hộ dân học hỏi, nhân rộng thực hiện. Đối với hình thức nuôi này, cơ bản giống như hình thức nuôi lồng trước đây, tuy nhiên, thay vì nuôi trong lồng từ khi bắt con giống về cho tới khi thu hoạch thì mô hình này được chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu khi mua con giống về sẽ nuôi lồng khoảng 20 ngày, khi con giống đảm bảo khỏe mạnh và thả ra ao đất ở giai đoạn hai.

Khi thực hiện mô hình này trong quá trình nuôi, ngoài đáp ứng các điều kiện về chất lượng con giống và ao nuôi thì mô hình nuôi tôm tít trong ao đất phải thường xuyên theo dõi các yếu tố về độ mặn, nhiệt độ nước, độ kiềm và màu nước. Qua đánh giá, tôm có tỷ lệ sống từ 65% trở lên, năng suất đạt 70kg/vụ. Theo tính toán, mô hình cho thu lãi trên 30 triệu đồng. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho những hộ nuôi. Bởi theo nhận xét của những hộ nuôi theo hình thức nuôi lồng trước đây thì việc vệ sinh lồng rất tốn thời gian và con tôm thường rất chậm lớn.

Mô hình nuôi tôm tít trong ao đất, trên cơ bản vẫn sử dụng chiếc lồng nuôi cũ và khi tôm khỏe mạnh sẽ thả ra môi trường ao nuôi giống như môi trường sống trong tự nhiên của chúng. Đây được xem là cách làm mới. Đồng thời, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nuôi bị ảnh hưởng nhiều nên việc từng bước áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất là rất cần thiết và phù hợp để người dân phát triển kinh tế bền vững.

Với những mô hình kinh tế tiêu biểu, tin rằng năm nay Năm Căn sẽ về đích các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và các mô hình này sẽ phát triển bền vững với sự trợ lực của ngành chuyên môn và ngành chức năng; khẳng định vị thế các sản phẩm của ngành hàng chủ lực của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *