Năm học 2019 – 2020, Cà Mau hoàn thành đúng tiến độ chương trình dạy và học

Các trường học trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 đúng theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT.

* Thưa ông, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà ngành Giáo dục Cà Mau đạt được trong năm học 2019 – 2020, đặc biệt là kết quả mà toàn ngành vào cuộc chống dịch COVID-19 cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà thời gian qua?

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Tính đến thời điểm này, các trường đã hoàn thành chương trình học kỳ 2 và tổng kết năm học 2019 – 2020 đúng theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT, đảm bảo cho việc xét hoàn thành chương trình tiểu học và xét tốt nghiệp THCS kịp thời gian để các em tham gia kỳ xét tuyển vào lớp 6 và lớp 10 năm học 2020 – 2021. Công tác tổ chức đăng ký dự thi và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đúng kế hoạch đề ra.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn bước đầu đạt kết quả tốt. Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT đã cử các đoàn học sinh tham gia đầy đủ các cuộc thi, hội thi do Bộ GD&ĐT tổ chức và đạt kết quả đáng khích lệ: Thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2019 – 2020, cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; thi Taekwondo tại Tây Ninh, thi Vovinam tại Đaklak… Các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; việc dự giờ và kiểm tra hồ sơ chuyên môn của giáo viên được tiến hành thường xuyên, góp phần điều chỉnh hoạt động dạy học của giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tính đến hết ngày 9/7/2020, trên địa bàn tỉnh chưa có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của ngành đã chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo kịp thời và thường xuyên các cơ sở giáo dục trong việc phòng, chống dịch; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến và công tác phòng, chống ở các đơn vị trường học, đồng thời chỉ đạo các trường trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động liên hệ Y tế địa phương phun thuốc khử khuẩn khuôn viên trường, phòng học, bếp ăn, đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, các trường huy động cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tốt vệ sinh trong và ngoài trường học, lắp đặt hệ thống nước rửa tay, máy sấy khô tay cho học sinh, chuẩn bị nước rửa tay… trước khi học sinh trở lại trường học. Các trường học theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch bệnh, quản lý tốt cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đến và về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch (trong và ngoài nước) để có biện pháp xử lý phù hợp, đạt hiệu quả.

Trong thời gian qua, các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường sử dụng các phần mềm dạy học hoặc các ứng dụng khác để hướng dẫn học sinh ôn tập, học bài mới; đồng thời tham gia tích cực các chuyên đề/bài dạy trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch, góp phần duy trì chất lượng giáo dục của tỉnh.

Hiện tại, công tác tổ chức đăng ký dự thi và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đang thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

* Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại, hạn chế nào, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Dự: Việc đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng để đáp ứng quy mô tuyển sinh chưa đáp ứng với yêu cầu, hiệu quả thấp; đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu ở một vài huyện rất khó khắc phục và một bộ phận giáo viên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; chi phí cho hoạt động giáo dục tại các đơn vị lớn nhưng nguồn lực tài chính thấp, phân tán, chưa thật đáp ứng đủ với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số trường học thuộc Phòng GD&ĐT vẫn còn diễn ra, khó khắc phục, thừa môn này nhưng thiếu môn khác, đặc biệt là giáo viên mầm non còn thiếu khá nhiều ở các xã vùng nông thôn. Năng lực quản trị nhà trường của cán bộ quản lý giáo dục có cải thiện nhưng hiệu quả quản lý không cao, chưa đáp ứng tốt với yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh có tiến triển những vẫn còn mang tính hình thức, chưa tiệm cận sâu được với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, kế hoạch tập huấn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 rất bị động, chủ yếu theo lộ trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT, do đó ảnh hưởng hoạt động của các đơn vị, trường học. Việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương và việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm, thiếu chủ động.

* Ngành Giáo dục đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp gì trong năm học 2020 – 2021, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Dự: Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học để đảm bảo cho việc dạy và học năm học 2020 – 2021, nhất là cấp mầm non và tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày đối với lớp 1. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị, trường học bằng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị, xã hội hóa tổ chức sửa chữa cơ sở vật chất; Rà soát đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên đảm bảo đủ định mức theo quy định, hạn chế tình trạng thừa thiếu cục bộ tại một số địa phương.

Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng thời gian, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học như trong thực hiện tuyển sinh đầu cấp, quản lý hồ sơ sổ sách, quản lý điểm… Chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động liên hệ với các nhà xuất bản, công ty sách cung ứng đầu đủ sách giáo khoa, sách tham khảo, đặc biệt sách giáo khoa phục vụ cho học sinh lớp 1 năm học 2020 – 2021. Đặc biệt, chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ việc thực hiện các khoản thu đầu năm, thực hiện đúng các khoản thu theo quy định; quản lý dạy thêm, học thêm.

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *