Năm học mới 2019 – 2020 Quyết tâm tiếp tục tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2019 – 2020

* Thưa ông, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2018 – 2019, bước sang năm học 2019 – 2020, ngành Giáo dục sẽ triển khai và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để công tác giáo dục tỉnh nhà đạt kết quả tốt nhất?

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Năm học 2019 –  2020, ngành Giáo dục Cà Mau sẽ triển khai và thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục toàn tỉnh. Tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông; tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện của từng địa bàn theo hướng sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ đóng trên địa bàn gần nhau; xóa các điểm trường lẻ không còn phù hợp, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục; tăng cường công tác dự báo về phát triển trường, lớp học, đội ngũ để nâng cao chất lượng quy hoạch.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo.Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế trong ngành; đồng thời thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ…

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học.

Về nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT, sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025. Rà soát bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các điểm trường có kế hoạch công nhận đạt chuẩn Quốc gia, các điểm trường tụt chuẩn sau 5 năm; nhất là các trường có tổ chức dạy 2 buổi/ngày và có hoạt động bán trú. Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng cường nguồn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Các nhiệm vụ trọng tâm nữa là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngành Giáo dục Cà Mau đã chủ động trong công tác chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chủ động cho chương trình Giáo dục phổ thông mới

* Đặc biệt, theo sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 được tổ chức vừa qua là ngành Giáo dục tỉnh nhà cũng như mỗi cán bộ, giáo viên phải sẵn sàng cho chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngành đã có chuẩn bị cho công tác này như thế nào?

Ông Lê Hoàng Dự: Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình GDPT; Hướng dẫn số 344 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn triển khai chương trình GDPT, Sở GD&ĐT Cà Mau đã tích cực, chủ động thực hiện một số nội dung công việc sau: Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình GDPT mới. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau và chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.

Thời gian tới, ngành sẽ rà soát lại trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ cho chương trình mới. Xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 – 2025. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn CBQL, giáo viên theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và kế hoạch tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên tại địa phương, trước mắt tập trung cho việc thực hiện chương trình lớp 1 năm học 2020 – 2021. Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán do Bộ GD&ĐT tổ chức. Phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn chương trình giáo dục địa phương và triển khai áp dụng theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện tốt những nội dung trên, cần phải có sự chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhất là sự chủ động của các địa phương, các cơ sở giáo dục.

Sẽ xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở từng cấp học theo hướng toàn diện, chuẩn hóa

* Ông có thể cho biết, công tác sắp xếp trường, lớp, giáo viên sẽ được ngành tiếp tục thực hiện như thế nào ?

Ông Lê Hoàng Dự: Thực hiện nghiêm túc Công văn số 7258/UBND-NC ngày 17/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, sắp xếp trường, lớp, giáo viên; năm học 2019 – 2020, ngành tiếp tục chỉ đạo các huyện, TP. Cà Mau, các đơn vị, trường học trực thuộc việc rà soát sắp xếp trường lớp, bố trí giáo viên cho phù hợp với từng vị trí việc làm. Hướng sắp tới, về lâu dài ngành sẽ xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở từng cấp học theo hướng toàn diện, chuẩn hóa, đảm bảo số lượng phù hợp, đồng bộ về cơ cấu. Hằng năm, rà soát, bố trí số lượng người làm việc đảm bảo yêu cầu giảng dạy.

Sắp xếp lại, bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên gắn với thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình. Quản lý chặt chẽ, khoa học công tác tuyển dụng, bố trí cân đối giáo viên giữa các môn học, giữa các bậc học, cấp học giữa các trường theo vị trí việc làm; bố trí hợp lý giáo viên nơi thừa sang nơi thiếu đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học theo từng năm học

* Xin cám ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *