Năm mới, kỳ vọng mới

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm.

Năm mới, người dân huyện U Minh kỳ vọng giá lúa sẽ ổn định, cùng với sự quan tâm nhiều hơn của các ngành chức năng, nhất là việc tìm đầu ra để họ an tâm gắn bó với cây lúa. Ông Nguyễn Văn Hận ở Ấp 3 (xã Khánh Lâm): “Giá lúa năm nay xuống rất thấp so với năm trước, gần như là thương lái trả giá bao nhiêu thì trả, phần còn lại không tiêu thụ được; nếu có bán được, giá cũng thấp. Chính vì thế, năm 2019, các cấp, các ngành liên quan cần tìm đầu ra để sản lượng lúa sản xuất ra có nơi tiêu thụ ổn định”.

Đối với người trồng quýt đường tại xã Nguyễn Phích và Khánh Thuận, năm 2018 vừa qua, do nhiều yếu tố khác nhau làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây quýt. Năng suất giảm liên tục, đặc biệt, vụ quýt tết giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Ông Trần Văn Cường ở Ấp 14 (xã Khánh Thuận) kỳ vọng: “Năm 2018 vừa qua, bà con trồng quýt nơi đây lao đao vì năng suất quýt giảm, giá tăng cao nhưng không có quýt để bán, đặc biệt là vụ quýt tết vừa qua. Cây ra rất nhiều hoa nhưng không đậu trái. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học vào cuộc để tìm ra nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả năng đậu trái của quýt, để vực dậy năng suất trái quýt đường trong năm 2019”.

Người trồng chuối kỳ vọng năm 2019 chuối sẽ được giá.

Riêng đối với người trồng màu và trồng chuối xiêm trên địa bàn huyện U Minh, cũng kỳ vọng năm 2019, hai loại cây này cần được bao tiêu sản phẩm để giá không còn bấp bênh như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Vũ ở Ấp 4 (xã Khánh Hòa), cho biết: “Năm 2018 vừa qua, mô hình trồng màu đem lại hiệu quả, năng suất cao, giá có lúc cao ngất ngưỡng, có lúc quá thấp không tiêu thụ được, làm cho nông dân không yên tâm khi trồng, lúc nào cũng lo sợ, vì không có đầu ra bền vững. Năm mới, rất cần có một quy trình sản xuất đạt chuẩn và có nơi bao tiêu toàn bộ rau màu để bà con an tâm sản xuất”.

Bà Phạm Thị Ánh, ở Ấp 15 (xã Khánh Thuận), một nông dân gắn bó với cây chuối xiêm hơn 10 năm qua, cũng trăn trở: “Năm 2018, giá chuối thấp chưa từng có, cứ duy trì ở mức 1.000  đến 1.100 đồng/kg, giá này người trồng chuối gần như thất vọng. Các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh cần nghiên cứu và kêu gọi các nhà đầu tư về đây xây dựng nhà máy chế biến, hoặc có nơi tiêu thụ chuối nguyên liệu để bà con yên tâm gắn bó với cây được mệnh danh “xóa nghèo” này”.

Mô hình trồng màu đem lại hiệu quả, năng suất cao tại huyện U Minh.

Chuyến biển đầu năm 2019, trước Tết Nguyên đán, ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội khai thác bị gián đoạn do ảnh hưởng của cơn bão số 1. Sau khi bão kết thúc, bà con lại tiếp tục ra khơi, sau hơn 10 ngày khai thác, trung bình mỗi tàu có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng. Đây thực sự là tín hiệu vui vào những ngày đầu năm mới, giúp ngư dân trên địa bàn an tâm bám biển trong thời gian tới. Kết thúc chuyến biển với niềm vui được mùa nên ngư dân địa bàn xã Khánh Hội tích cực chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo, dự kiến sẽ cập bến vào khoảng sau mùng 10 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Một mùa xuân nữa đã đến, những mong ước cho năm mới lại bắt đầu, bởi trong tâm thức của người dân Việt, mùa xuân được xem là mùa của sự khởi đầu, của sự phát triển mới và niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước. Với những nông dân quanh năm vất vả bên ruộng vườn, những ngư dân bám biển, thì mơ ước lớn nhất là mưa thuận gió hòa; là những vụ mùa bội thu, bán được giá, những chuyến biển tàu về đầy ắp cá tôm… để cuộc sống thêm phần sung túc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *