Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS

Vai trò của các đoàn thể được phát huy trong công tác tuyên truyền.

Tính từ đầu vụ dịch (năm 1994) đến thời điểm hiện tại, đã phát hiện được 3.210 trường hợp nhiễm HIV, chuyển sang AIDS là 1.155 trường hợp, tử vong 440 trường hợp. Trong số 3.210 người nhiễm còn sống, nữ là 41%, nam 59%; chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 20 – 29 tuổi (chiếm 48%) và trong nhóm tuổi từ 30 – 39 tuổi (chiếm 33%). Có khoảng 70% không xác định được trên thực tế.Những người này có thể trùng với những người quản lý được nhưng thông tin cá nhân không chính xác nên không loại trừ được, hoặc sợ kỳ thị họ cung cấp thông tin không đúng cho nhân viên y tế, do đó số quản lý được theo dõi tại địa phương chỉ khoảng 30%.

Hiện nay, vấn đề khó khăn của tỉnh là đối tượng nhiễm còn đi làm ăn xa, trốn khỏi địa phương nên rất khó xác định được nơi ở cố định; cán bộ chương trình còn gặp nhiều khó khăn trong công tác rà soát để quản lý tại địa phương. Tính đến cuối năm nay, số bệnh nhân người lớn đang điều trị bằng thuốc ARV là 800 người (trong đó có bệnh nhân của Trại giam Cái Tàu); số bệnh nhân trẻ em đang điều trị ARV là 42 trẻ.

Từ thực tế đó, ngành Y tế tỉnh, mà vai trò tiên phong là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS. Nhiều mô hình truyền thông được xây dựng tại các địa phương: Câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS; Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội; nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng; tuyên truyền viên đồng đẳng phòng chống AIDS… Tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS, các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa… thu hút đông đảo người dân, học sinh, sinh viên tham gia.

Thông qua các hoạt động truyền thông, ngành Y tế lồng ghép giới thiệu các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ nhằm nâng cao sức khỏe cho người bệnh và hướng những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao thực hiện các hành vi an toàn, đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, hỗ trợ kịp thời nhằm chủ động phòng bệnh cho bản thân và ngăn chặn sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Qua đẩy mạnh công tác truyền thông, đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS.

Nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm HIV, thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác truyền thông thay đổi hành vi. Từ những hoạt động như tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV, tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện và nhiều hoạt động khác, ý thức của người dân trong phòng bệnh được nâng lên rõ rệt.

Công tác truyền thông còn hướng tới giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh AIDS, cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm HIV/AIDS. Công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã được thực hiện tốt, công tác quản lý người nhiễm, công tác tư vấn chăm sóc, điều trị hỗ trợ cho người nhiễm được thực hiện thường xuyên, ở tất cả các cấp, các địa phương là cơ sở để can thiệp dự phòng lây nhiễm, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS, góp phần quyết định trong thành công của công tác phòng chống dịch. Hàng năm, có khoảng 90% người nhiễm HIV được tiếp cận và điều trị ARV, 100% cán bộ bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.

Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, bác sĩ Huỳnh Văn Hùng cho biết: Được sự quan tâm tích cực từ cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội nên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả truyền thông tương đối tốt, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về đại dịch. Đặc biệt, chương trình phòng lây truyền từ mẹ sang con đã được thực hiện khá tốt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để chương trình hoạt động có hiệu quả cao hơn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng phụ nữ mang thai có nguy cơ, về ý nghĩa y tế, kinh tế, xã hội của chương trình; triển khai chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để người mẹ chủ động xét nghiệm HIV sớm (trước 3 tháng) và điều trị dự phòng sớm, có hiệu quả nhằm đảm bảo thành công của chương trình.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng đối với toàn xã hội, cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để đạt được những kết quả tốt nhất. Trong những tháng cuối năm, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc hỗ trợ người nhiễm tiếp cận điều trị HIV/AIDS…

Phòng chống HIV/AIDS được xác định là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, cần được tiến hành thường xuyên. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, ngành Y tế còn chú trọng công tác quản lý, tư vấn, điều trị, tăng cường chất lượng và mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn Bảo hiểm y tế, quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *