Nâng cao tính bền vững trong canh tác tôm – lúa

Nhờ tham gia Dự án, vụ tôm vừa qua, gia đình chị Võ Thị Thảo thu được gần 90 triệu đồng.

Những tháng đầu năm 2016, sau khi kết thúc vụ lúa, chuyển sang vụ tôm, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ở Úc), Viện Nuôi trồng thủy sản II, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ triển khai mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học theo Dự án “Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác tôm – lúa tại ĐBSCL” ở 4 tỉnh khu vực ĐBSCL, gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Tại Cà Mau, Dự án được triển khai thực hiện ở ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, ban đầu có 3 hộ dân tham gia, sau đó nhân rộng thêm 21 hộ.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Sinh (trái) bón vôi trong ô đất riêng biệt, chuẩn bị thử nghiệm các giống lúa mới, nhằm chọn ra giống lúa chịu mặn phù hợp vùng đất lúa tôm (thực hiện trên phần đất của gia đình chị Võ Thị Thảo).

Dự án đầu tư tôm giống và lúa giống cho 24 hộ dân tham gia trong vòng 3 năm. Cụ thể, đối với tôm, hỗ trợ 50 ngàn con/ha/hộ; hỗ trợ lúa giống 80kg/ha/hộ sạ và 60kg/ha/hộ cấy. Là một trong 3 hộ đầu tiên được chọn thực hiện mô hình, đồng thời với vai trò nhóm trưởng của Dự án, ông Huỳnh Văn Dũng phấn khởi chia sẻ về hiệu quả bước đầu của dự án: “Qua sơ kết đánh giá kết quả từ vụ tôm, cho thấy chỉ có 3/24 hộ nuôi đạt hiệu quả chưa cao, thực tế tôm lúc đầu thả nuôi đạt đầu con, nhưng khâu chăm sóc chưa đúng dẫn tới không hiệu quả. Còn lại 21 hộ đạt hiệu quả với thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng; nhất là thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn nhưng tôm nuôi vẫn phát triển tốt, trong khi số hộ nằm ngoài Dự án bị thiệt hại nặng”. Riêng gia đình ông Dũng, với 1,5ha đất sản xuất, trước canh tác theo kiểu truyền thống hiệu quả không cao, thu nhập chỉ đủ xoay sở chi tiêu hằng ngày, sau đó ông tham gia Dự án; đúng thời điểm diễn ra đợt hạn hán xâm nhập mặn vừa qua, nhiều bà con trong vùng trắng tay, thì gia đình ông Dũng lại có thu nhập ổn định từ tôm – cua, đến nay trên 100 triệu đồng.

Vụ tôm – cua vừa qua, ông Huỳnh Văn Dũng (trái) thu được trên 100 triệu đồng; đợt tôm tiếp theo hiện được hơn 1 tháng tuổi, đang phát triển tốt.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng một số sở, ngành và chính quyền địa phương tham quan mô hình của ông Huỳnh Văn Dũng. Hiện nay, gia đình ông đã gieo mạ, tiến hành rửa mặn chuẩn bị vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Chúng tôi có mặt tại nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Bi và chị Võ Thị Thảo khi đoàn công tác của Trường Đại học Cần Thơ, do Thạc sĩ Nguyễn Văn Sinh, giảng viên bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng) trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các quy trình rửa mặn chuẩn bị cho vụ lúa tới, đồng thời khoanh ô trồng thử nghiệm các giống lúa nhằm tìm ra giống lúa mới chịu mặn, phù hợp với vùng sản xuất lúa tôm. Thạc sĩ Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Trong quá trình rửa mặn trồng lúa, chúng tôi kết hợp nghiên cứu, đánh giá vai trò bùn đáy ao trong hệ thống kênh mương có vai trò như thế nào đối với cây lúa; thử nghiệm các phương thức rửa mặn bằng vôi góp phần cải thiện môi trường đất, độ mặn trong đất; kết hợp trồng thử nghiệm một số giống lúa để chọn ra giống tối ưu, phù hợp nhất cho vùng đất lúa – tôm”.

Vợ chồng anh Bi có 1,7ha đất nhưng nhiều năm sản xuất không hiệu quả, dự định đi Bình Dương làm công nhân. Được sự động viên của chính quyền địa phương, cùng với ý chí vươn lên, anh được chọn tham gia Dự án. Kết quả vụ tôm vừa qua, gia đình anh Bi cũng thu được gần 90 triệu đồng. Anh Bi chia sẻ: “Trước đây, canh tác theo kiểu truyền thống, chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ tham gia, áp dụng các giải pháp từ Dự án chuyển giao, tôm nuôi đạt hiệu quả và gia đình mới vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện nay, tôi đang tiến hành khâu rửa mặn, chuẩn bị cho vụ lúa trên đất nuôi tôm”.

Bà Triệu Mỹ Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã: “Thực hiện Dự án, kết quả bước đầu vụ tôm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nếu không được hỗ trợ mà người sản xuất tự bỏ tiền ra thì so với chi phí đầu tư những năm trước chưa theo quy trình, cũng đã giảm 2/3. Hiện nay, bà con đã gieo mạ, kết hợp thực hiện các khâu rửa mặn”.

Với hiệu quả bước đầu của Dự án, hộ dân tham gia rất phấn khởi. Mục tiêu mà Dự án hướng tới là nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác tôm – lúa vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trên cơ sở xem xét hiệu quả nuôi tôm, trồng lúa và tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống canh tác, việc quy hoạch phải mang tính động, thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *