Nâng cấp hạ tầng giao thông, đảm bảo đi lại cho người dân

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Cà Mau, hiện hệ thống đường bộ của tỉnh được đầu tư nâng cấp, xây dựng tương đối đồng bộ, tạo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực. Trong đó, tranh thủ vận dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên các tuyến trọng điểm về giao thương, vận tải… phục vụ tích cực nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trong năm qua, Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác thẩm định, quản lý chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm: Tuyến Bờ Nam – Sông Đốc, tuyến Tắc Thủ – Đá Bạc, Quốc lộ 63 đoạn qua TP. Cà Mau… Đặc biệt, trong năm 2017, đã hoàn thành đường ô tô đến trung tâm xã Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi), xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn), cầu Rạch Sao 2 (huyện Đầm Dơi), nâng tổng số xã có đường ôtô về đến trung tâm xã là 81/82 xã.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất để người dân tham gia giao thông trong dịp tết được thuận lợi, an toàn, Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sửa chữa, lắp đặt bổ sung 313 trụ, 434 biển báo hiệu giao thông. Các đơn vị thi công có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông. Các đơn vị quản lý đường thủy nội địa thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra luồng tuyến, thực hiện công tác chống va trôi kết hợp điều tiết đảm bảo an toàn giao thông trên đường thủy nội địa tại các cầu nguy hiểm, các khu vực trọng điểm; kiểm tra, rà soát lại hệ thống báo hiệu đã được triển khai trên tuyến, điều chỉnh hệ thống báo hiệu, nhất là các báo hiệu tại khu vực cầu vượt sông để đảm bảo cho phương tiện thủy lưu thông được an toàn.

Để khắc phục những khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, nhiều địa phương trên địa bàn đã triển khai nâng cấp một số tuyến giao thông trọng yếu.

Nhằm khắc phục những khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, huyện Phú Tân đã và đang tập trung đầu tư nâng cấp nhiều tuyến giao thông trên địa bàn. Theo thống kê, hiện tại, huyện Phú Tân đã đầu tư xây dựng gần 50km lộ nhựa, gần 800km lộ bê-tông và gần 600 cầu giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông đường bộ trong những năm qua phát triển mạnh.

Đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã đầu tư và vận động nhân dân duy tu, sửa chữa được trên 419.000m lộ giao thông. Trong đó, duy tu sửa chữa 360 tuyến lộ bê-tông, chiều dài trên 37.000m, kè chống sạt lở được trên 26.000m lộ bê-tông, kè bằng cây gỗ địa phương được trên 177.000m, kè bằng đất đen được trên 178.000m. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng tổ chức duy tu, sửa chữa kịp thời 54 cầu giao thông nông thôn xuống cấp, hư hỏng nặng, ngoài khả năng cân đối vốn của các xã, thị trấn và đầu tư duy tu, sửa chữa kè chống sạt lở các công trình giao thông theo phân cấp do huyện quản lý, từ nguồn ngân sách huyện, với tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng.

Đối với nhiều xã, khi công trình lộ bê-tông mới nghiệm thu đưa vào sử dụng, xã chỉ đạo, vận động nhân dân ký cam kết có trách nhiệm bảo vệ, duy tu, sửa chữa, kè chống sạt lở ngay khi tuyến lộ bị xuống cấp và có nguy cơ sạt lở.

Theo Sở Giao thông vận tải, bên cạnh những kết quả mà Cà Mau đạt được, trong đầu tư hạ tầng giao thông cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Mà cụ thể là việc giữ địa bàn sau giải tỏa gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí, thiếu phương tiện kiểm tra. Vẫn còn xảy ra tình trạng cất nhà vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, họp chợ trái phép. Quốc lộ 63 mặt đường hẹp, trong khi lưu lượng xe lưu thông lớn nên ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và khả năng vận chuyển hàng hóa. Kết cấu hạ thầng giao thông đường bộ còn hạn chế so với nhu cầu, mặc dù được quan tâm đầu tư, song do kinh phí hạn chế nên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn mặt đường hẹp, có nơi hư hỏng, xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời, biển báo chưa đầy đủ hoặc hư hỏng…

Cà Mau đã và đang thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, về việc tập trung vận dụng thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ thời gian quy hoạch này được phê duyệt vào năm 2013 đến nay, tỉnh đã thu hút gần 200 tỷ đồng vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *