Nắng hạn gây khó khăn trong khâu cày ải

Theo nhiều hộ dân, do năm nay trời dứt mưa sớm, chân ruộng bị thiếu nước thời gian dài nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, mặt đất đã khô cứng, nứt nẻ, nếu để lâu sẽ không thể cày ải được.

Mặc dù đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân cách đây hơn nửa tháng, nhưng ông Trần Văn Hải (ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc) chưa dám đốt đồng để cày ải phơi đất, do không có máy cày. Ông Hải lo lắng: “Mặt đất bây giờ quá khô rồi, nếu đốt gốc rạ xong thì phải tiến hành cày liền, chớ để lâu đất càng khô, cứng hơn nữa. Ngặt nỗi bây giờ không có máy cày nên tôi chưa dám đốt gốc rạ. Nếu vài ngày nữa mà không có máy cày, thì chắc phải đợi tới mưa xuống cày giòn hoặc trục nhận để gieo sạ thôi”.

Nông dân huyện Trần Văn Thời đang đẩy nhanh tiến độ cày ải phơi đất.

Cũng như ông Hải, mấy ngày nay ông Phan Văn Sang (ấp Đòn Dong, xã Khánh Lộc) rất lo lắng cho khâu cày ải phơi đất. Theo ông Sang, năm nay, một phần do thiếu máy cày, một phần do nước dưới sông, rạch khô hết, máy cày không di chuyển được nên bà con nông dân gặp khó khăn. “Nếu không cày được, vụ lúa hè thu sắp tới chưa biết sẽ xuống giống làm sao”, ông Sang nói.

Đến thời điểm này, nông dân toàn huyện Trần Văn Thời mới cày ải phơi đất được hơn 5.000ha, đạt chưa tới 20% diện tích. Qua rà soát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn huyện có hơn 200 máy cày lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu cày ải của bà con. Tuy nhiên, do mực nước trong các sông, rạch khô cạn, máy cày không di chuyển được nên tiến độ cày ải chậm.

Đối với những nơi có máy cày tại chỗ, thu hoạch lúa đến đâu, nông dân tiến hành đốt rơm rạ để cày ải phơi đất ngay đến đó. Ông Lê Văn Khởi (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông) cho biết: “Tôi mới thu hoạch lúa có 3 ngày, thấy mặt đất nứt nẻ hết, tôi sợ để lâu không cày được nên liền đốt rơm rạ và kêu máy cày vô cày ải ngay. Thời điểm này, nhiều chỗ đất bắt đầu cứng nên máy cày nhỏ chạy không nổi, nếu để lâu đất càng khô cứng và không cày được”.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù các chủ máy cày gặp khó khăn trong việc di chuyển phương tiện, nhưng giá công cày đất năm nay vẫn ổn định như những năm trước. Nếu chủ đất trả tiền mặt thì giá 100.000 đồng/công, nếu để đến thu hoạch vụ lúa hè thu mới thanh toán thì giá 120.000 đồng/công. Hiện tại, nhiều hộ đang tích cực tìm kiếm máy cày, khẩn trương đốt rơm, rạ để đẩy nhanh tiến độ cày ải phơi đất.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa khô 2019 – 2020 ở khu vực Nam Bộ sẽ khá gay gắt và kéo dài hơn mọi năm. Nếu thời gian tới, bà con nông dân không chủ động và đẩy nhanh tiến độ cày ải phơi đất thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *