Nặng nợ với quê hương

Cô Nguyễn Ánh Tuyết (bìa trái) trao cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Đầm Dơi.

Vượt qua biến cố

Khi tuổi đôi mươi, cô Tuyết được nhiều người biết đến là “tiểu thư” đài cát, bởi cô là con một, sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc hạng trung lưu thời ấy. Học hết lớp 12, có chồng rồi sinh con, đến năm 1977, chồng cô quyết định ra nước ngoài lập nghiệp. Mẹ cô không nỡ xa con gái nên không đồng ý cho cô theo, cô đành chấp nhận xa chồng, trở thành mẹ đơn thân nuôi 2 con trai và phụng dưỡng mẹ già.

Từ một tiểu thư, cô trở nên mạnh mẽ, lao vào thương trường lo cho cuộc mưu sinh. Cô không nghĩ có lúc mình phải ngồi vỉa hè bán dép, vá dép, rồi làm thợ may, mở tiệm vải… Cô vươn lên bằng nghị lực và chính đôi tay của mình. Cô Tuyết chia sẻ: “Cho đến bây giờ, có lẽ nhiều người chưa biết tôi từng ngồi cạnh ông thợ may dép ở chợ Sài Gòn cả tuần để học nghề, sau đó về Cà Mau mở sạp bán dép da, kèm nghề may dép. Dành dụm được ít vốn, tôi đầu tư máy may gia công nón, đồng phục… rồi từ từ ăn nên làm ra, mở sạp vải…”.

Trong quá trình mưu sinh, cô gặp được người đàn ông một mực yêu thương, san sẻ nên cô tái hôn, từ đó cả hai chuyên tâm làm ăn lo cho mẹ và con cái học hành. Nguồn thu nhập dần ổn định lên, cô mua đất và kinh doanh thêm lĩnh vực khách sạn. Nhưng “hồng nhan bạc phận”, số phận nghiệt ngã lại đến với cô lần nữa: Người chồng cùng cô vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, đến hồi kinh tế ổn định, đã ra đi vì căn bệnh ung thư vào năm 2001, để lại cô một nách 4 con và mẹ già, hụt hẫng cả về thể xác lẫn tinh thần.

Cô Tuyết chia sẻ: “Khi ấy tôi thất thần, không còn động lực để làm kinh tế, nghĩ lại thấy đời vô thường quá. Tôi và chồng đã mải mê làm kinh tế, ít có dịp đi chung, ăn chung, bởi phải thay phiên trông coi cửa hàng. Đến khi ông ra đi vội vã, tôi mới ngộ ra, rồi buông bỏ bớt việc kinh doanh, tập trung cho mỗi lĩnh vực kinh doanh khách sạn, đủ trang trải kinh tế gia đình là được. Đi chùa thường xuyên để tịnh tâm, với hy vọng buông bớt nỗi buồn trong lòng…”.

Là con của gia đình phật tử, năm 14 tuổi, cô Tuyết đã gắn bó với nhà chùa, trải qua biến cố cuộc đời, cô đến chùa nhiều hơn, mong được góp công sức ban phước đến mọi người. Tại chùa Phật Tổ (Phường 4, TP. Cà Mau), cô tiếp cận và liên kết được với rất nhiều nhà từ thiện trong nước và cả bạn bè nước ngoài. Đầu năm 1998, cô đề xuất thành lập Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, là địa chỉ tiếp nhận và thực hiện trao – nhận tấm lòng các nhà hảo tâm gần xa gửi về giúp quê hương Cà Mau. Ban do Sư cô Thích nữ Diệu Chánh làm Trưởng ban, cô Tuyết làm Phó ban. Từ đó cô dốc toàn tâm, toàn sức cho công tác từ thiện, góp phần giúp đỡ người nghèo, người yếu thế vượt qua khó khăn, đồng thời tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội khác cho quê hương Cà Mau.

Những bước chân không mỏi giúp đời, giúp người

Cơn bão số 5 năm 1997 đi qua đất Cà Mau, để lại nỗi đau vô bờ bến. Khi ấy cô tìm gặp bà Ong Thị Hồng Thơ (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) gửi 1 tấn gạo chia sẻ cùng bà con sau cơn bão. Cô nhớ lại: “Hôm đến gặp chị Ong Thị Hồng Thơ, chị bảo em là người đầu tiên đến hỗ trợ bà con sau cơn bão, nghe vậy tôi cảm thấy rất xúc động”. Sau chuyến đi phát gạo đó, cô suy nghĩ: “Mình có nhiêu cho nhiêu thì rất ít, chi bằng rủ thêm bạn bè có cùng tâm nguyện tham gia làm từ thiện để giúp đỡ đồng bào. Dần dần, số lượng người tham gia đông thêm, các phần quà giúp bà con ngày càng lớn thêm”. Đầu năm 1998, cô đề xuất cùng bạn bè thành lập bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến nay đã duy trì được 22 năm và ngày càng phát triển mạnh hơn. Bình quân mỗi năm chi khoảng 2 tỷ đồng cho hoạt động này, bình quân mỗi ngày phát 200 suất cháo, 150 suất cơm cho bệnh nhân.

Cô Tuyết có mặt thường xuyên tại điểm ATM gạo đặt tại chùa Phật tổ Phường 4 (TP. Cà Mau), gặp những hoàn cảnh đặc biệt, cô tiếp tục phát tâm giúp đỡ họ.

Tôi thật ấn tượng và nể những “bước chân thiện nguyện” của cô, gần như đã đến hầu hết các vùng nông thôn nghèo trong 22 năm qua, khi thì hỗ trợ xây cầu, khoan giếng nước, khi thì trao quà… đều là những nơi xa xôi hẻo lánh, thật sự khó khăn, mỗi nơi đều không phải đến một lần. Để hoàn thành một công trình cầu, giếng nước, ít nhất đích thân cô đến tận nơi 3 lần: Khảo sát xem nơi ấy có thực sự cần không; lễ động thổ; lễ khánh thành. Những địa bàn cô chọn đa phần thực sự khó khăn, khi phải lội bộ, khi dầm mưa, khi phải đi bằng vỏ máy… Chi phí đi lại như thế cô đều bỏ tiền túi, tiền tài trợ xây cầu là sử dụng đúng mục đích xây cầu, sau chuyến khảo sát, động thổ hay khánh thành cô đều gửi hình và thông tin chi tiết đến nơi cho, công khai minh bạch tiền nhà tài trợ gửi. Vì thế, nhà tài trợ rất an tâm và cũng từ đó Cà Mau là ưu tiên số 1 các nguồn quỹ thông qua mối quan hệ thâm tình với cô Tuyết.

Năm 2009, khi Đề án xây dựng 1.588 cầu giao thông nông thôn được triển khai thực hiện ở Cà Mau, vốn là thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh 4 nhiệm kỳ, cô nhận thấy bản thân phải có trách nhiệm với quê hương. Trong quá trình đi trao quà, xây giếng nước, cất nhà tình thương cho hộ nghèo, đi về các vùng nông thôn, chứng kiến đời sống bà con, học sinh đi lại quá khó khăn, cô ghi hình rồi gửi cho bạn bè xem, kêu gọi tài trợ. Từ năm 2009 đến nay, cô đã vận động bạn bè, mạnh thường quân trong và ngoài nước xây dựng được 460 cầu giao thông nông thôn, bình quân mỗi cây từ 80 – 250 triệu đồng, tổng trị giá trên 40 tỷ đồng.

Công sức của cô rất lớn, góp phần cùng Cà Mau đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều lần cùng cô đi trao cầu, những nhịp cầu bê-tông vững chắc mang tên An Lạc, An Bình, Bình An… đã nối bờ vui, các em học sinh đang học ở ngôi trường gần chiếc cầu vừa xây xong cũng được tặng học bổng, tập, xe đạp… Nhìn thấy bà con đi lại thuận tiện, các em học sinh hớn hở qua cầu mới, nhà tài trợ và bà con đến chứng kiến cũng đủ mát lòng.

Cô Tuyết chia sẻ: “Làm việc tận tâm, trung thực và minh bạch về tài chính, đó là bí quyết để nhà hảo tâm gắn bó với mình từ nhiều năm qua. Có nhà tài trợ bên Mỹ, thông qua mình gửi nguồn tiền tài trợ các chương trình an sinh xã hội sau 5 năm, 10 năm mà chưa từng gặp mặt. Ví như, Quỹ từ thiện Canada gắn bó 10 năm, hàng năm họ dành 70% nguồn quỹ từ 1 – 2 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Cà Mau. Quỹ hỗ trợ từ chị Việt Ly (Việt kiều Mỹ), hỗ trợ Cà Mau xây 116 cầu, rất nhiều xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo… Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, tôi cùng Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh vận động trên 40 tấn gạo tặng bà con nghèo, cơ nhỡ; vận động nghệ sĩ Đại Nghĩa tài trợ 1 máy ATM gạo, đã cấp cho bà con trên 40 tấn gạo”.

Chị Trần Kiều Yến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “3 năm gần đây, cô Tuyết gần như là đầu mối chính kết nối các nguồn tài trợ, sát cánh cùng Hội trong công tác an sinh xã hội tỉnh: Hàng trăm mái ấm cho phụ nữ nghèo, hàng trăm cầu, giếng nước, xe đạp hỗ trợ học sinh là con em gia đình hội viên… Qua đó đã góp phần rất lớn cùng các cấp hội phụ nữ tỉnh trong công tác an sinh xã hội”.

Nhớ lần trên cùng chuyến xe về huyện Trần Văn Thời khánh thành cầu, trông cô rất mệt mỏi và ngủ ngon lành, các chị trong đoàn hỏi thăm mới biết gần đây mẹ cô trở bệnh, sức khỏe giảm sút, bà hay quên, nhiều đêm bà thức trắng, rồi cô cũng phải thức trông bà… Vì thế sức khỏe của cô cũng sa sút, tuy vậy, cô vẫn miệt mài với công tác từ thiện, về vùng sâu chia sẻ khó khăn cùng đồng bào.

Chỉ trong năm 5 gần đây, cô đã cùng Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Việt Nam tỉnh vận động các chương trình trên 65 tỷ đồng: xây dựng trên 400 cầu giao thông nông thôn; 140 nhà mái ấm tình thương; khoảng 4.000 giếng nước; 500 suất học bổng, 2.500 xe đạp…

Thành tích vận động của cô là thế, dành tất cả tiền vận động làm từ thiện. Cuối năm rồi, có dịp gặp, cô bảo cô và các sư dự định tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Từ thiện, chi phí khoảng hơn chục triệu đồng, nhưng suy đi tính lại thấy tiếc rồi thôi, để dành số tiền đó làm từ thiện hữu ích hơn…

Làm việc không ăn lương, không có chi phí bồi dưỡng, đi cơ sở thì bỏ tiền túi mà hằng năm 100 – 200 triệu đồng chứ không phải ít; nhà tài trợ cho bao nhiêu thì đầu tư hết bấy nhiêu, minh bạch, rõ ràng tài chính – cô Tuyết là như vậy, đó cũng là bí quyết “nối dài những bước chân” của cô trên con đường thiện nguyện cho quê hương Cà Mau.

Tôi và các đồng nghiệp đã đi cùng cô rất nhiều nơi, hòa cùng niềm vui với bà con trên chiếc cầu mới, với học sinh trên những chiếc xe đạp mới, cặp mới, sách vở mới… “Còn đi mãi, đi mãi cho đến khi không còn sức đi nữa mới thôi… nhưng không còn sức đi thì cô vẫn có thể làm cầu nối, liên kết với nhà tài trợ mà”, cô cười. Thật đáng trân trọng, xã hội rất cần, quê hương Cà Mau rất cần những tấm gương hết lòng vì người nghèo, vì quê hương như cô…!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *