Nặng tình Đất Mũi

Xuất thân là người con của thủ đô, là kỹ sư cầu đường, chàng trai trẻ Hà Thành đã xuôi về miền Trung và vinh dự góp mặt trong đội thi công cầu Sông Hàn. Đây là cây cầu quay đầu tiên do các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công. Sau thành công đó, kỹ sư Lê Thế Hùng được mời vào làm việc cho Công ty Tư vấn – Thiết kế giao thông 5 của Bộ Giao thông vận tải tại Đà Nẵng. Với đam mê nghề nghiệp, kỹ sư Lê Thế Hùng đã khẳng định năng lực qua nhiều công trình cầu – đường ở miền Trung.

Kỹ sư Hùng kiểm tra công trình.

Không chỉ đầu quân cho các công trình giao thông trọng điểm ở miền Trung, kỹ sư Lê Thế Hùng còn được mời tham gia tư vấn – thiết kế cho những công trình cầu – đường tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước. Đó cũng là duyên cớ để anh lần đầu tiên đặt chân đến Đất Mũi với vai trò là chỉ huy trưởng công trình mang tên Bác, gói thầu số 12 đoạn Năm Căn – Đất Mũi, đoạn cuối cùng của con đường này ở vùng đất cực Nam Tổ quốc. Đây cũng là lần đầu tiên anh tham gia công trình ở vùng đất với nhiều lạ lẫm, khó khăn và vất vả, bởi con đường này phải xuyên qua bạt ngàn rừng đước.

Do điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, kỹ sư Lê Thế Hùng và anh em khảo sát phải băng rừng ngập mặn, bao bọc và bị chia cắt bởi những lạch nước nhỏ, kênh đào chằng chịt. Phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xuồng nhỏ hoặc lội nước với nhiều mức độ ngập triều khác nhau, có độ cao so với mặt nước biển từ 1 đến 2 mét. Thế nên, trước đó có nhiều kỹ sư chỉ huy công trình này vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của rừng sâu đã từ bỏ công việc. Về đây đảm nhận công việc với bao bộn bề dở dang, nhiều lúc anh cũng không tránh khỏi lung lay trước áp lực công việc mà những người trước đó để lại, nhưng anh đã rất quyết tâm, đặc biệt là được bà con vùng đất xa xôi này động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện để những “chiến sĩ mở đường” như kỹ sư Lê Thế Hùng không chùn chân trước mọi gian khó.

Nhiều lúc mải mê với công việc “mở tuyến”, kỹ sư Lê Thế Hùng và đồng sự lạc vào rừng sâu, thấm mệt và đói khát đến lả người, may được bà con trong rừng ứng cứu kịp thời bằng những gói mì tôm, chai nước. Do băng rừng, lội kênh nên chân tay rỉ máu, các anh được bà con chữa trị bằng các bài thuốc dân gian và may tặng găng tay, vớ bao chân để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, phải nói đến bà Nguyễn Thị Thục ở kênh Trương Phi, thuộc ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, luôn theo sát từng bước chân của “anh em mở đường”. Hàng ngày, xong công việc gia đình, bà bơi xuồng len lỏi vào rừng đưa anh em qua những kênh rạch sâu. Những ngày đầu, chứng kiến kỹ sư Lê Thế Hùng bị chang đước và con móng tay dưới tán rừng làm chảy máu chân tay, bà về nhà may cho anh em mỗi người nào găng tay, túi đựng nước uống, vớ buộc chặt vào chân để khỏi bị trầy xước. Nhất là kỹ sư Lê Thế Hùng, anh được bà Thục chăm sóc rất chu đáo, vì bà biết là nhiệm vụ của anh rất quan trọng đối với công trình mà gia đình bà cũng như bao người dân Đất Mũi hằng mong ước. Nhiều lúc biết anh em bị lạc trong rừng sâu, bà cố hết sức leo lên những ngọn đước cao nhất để làm tín hiệu cho anh em định hướng. Khi về lại lán trại, anh em nói vui: “Cụ Nguyễn Thị Thục là “hoa tiêu” chỉ dẫn cho đoàn “mở đường” tìm về bến đậu”.

Kỹ sư Lê Thế Hùng được bà Nguyễn Thị Thục hướng dẫn cách đeo găng tay và vớ vào chân, chống trầy xước trước khi vào rừng “mở tuyến”.

Ngoài áp lực công việc: Tiến độ công trình, thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, kỹ sư Lê Thế Hùng còn phải ra sức cả đêm ngày để “tập sự” những sinh hoạt của người dân vùng sông nước: Đi đêm trong rừng, chạy vỏ lãi có gắn máy, bơi xuồng dưới sông, đi bắt ốc mò cua, xổ vuông, chài cá; cùng ăn, cùng ở với bà con. Trong những công việc mà kỹ sư Lê Thế Hùng quyết chí thích nghi ấy, đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, dù công trình chưa hoàn thành.

Vào một đêm tối trời, anh cùng một số đồng sự sau khi làm việc với chính quyền địa phương trên đường về, chiếc vỏ lãi có gắn máy lật úp, do va vào chướng ngại vật trên sông Rạch Tàu, cả nhóm lặn ngụp trong dòng sông sâu của màn đêm. Khi lên tới bờ, thi thoảng có xuồng người dân đi qua, nhưng lạ thay tiếng kêu cứu của các anh đều bị khước từ. May mà sau đó được một người bơi xuồng tới trong tình trạng say rượu ngất ngưỡng. Thế là các anh được thoát thân. Sáng ra, kỹ sư Lê Thế Hùng đem thắc mắc kể lại với bà con về việc khước từ cứu giúp của những người đi đường trong đêm, mới té ra nơi các anh chìm vỏ là một khu nghĩa địa và nơi đó đã có nhiều xuồng ghe của người đi đường bị chìm… nên vỏ máy của kỹ sư Lê Thế Hùng gặp nạn trong đêm không được người qua lại cứu giúp là… dễ hiểu!

Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi đang trong giai đoạn thi công nước rút để hoàn thành theo đúng kế hoạch (thông xe kỹ thuật vào năm 2016. Tại thời điểm này, nhiều công nhân, kỹ sư miệt mài làm việc bất kể mưa nắng, ngày đêm, không khí lao động trên công trường rất khẩn trương. Kỹ sư Lê Thế Hùng tâm sự: “Tôi đã làm nhiều con đường từ Bắc chí Nam, mỗi con đường để lại những kỷ niệm sâu sắc. Đối với con đường này thì tôi càng quyết tâm nhiều hơn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bởi nó rất có ý nghĩa đối với vùng đất cực Nam này”.

Tuyến đường xuyên rừng Năm Căn – Đất Mũi.

Theo kỹ sư Lê Thế Hùng, trở ngại nhất khi thi công tuyến đường này là xa nguồn cung cấp vật liệu xây dựng. Toàn bộ vật liệu phải vận chuyển bằng đường thủy, mất nhiều thời gian và tốn kém. Thêm nữa, nhiều tuyến kênh nhỏ và cạn, nên xà lan chở vật liệu xây dựng không thể vào được. Nhà thầu phải nạo vét sông, rạch. Ngoài ra, do đặc thù của vùng đất này, người dân chủ yếu nuôi trồng thủy sản nên lúc vào con nước xổ vuông tôm thì các nhà thầu không thể san lấp, bơm cát thi công được vì sẽ ảnh hưởng tôm nuôi của bà con, thế là phải chờ qua con nước.

Đến khi con nước đi qua, công nhân, kỹ sư phải tăng ca làm việc cả ngày lẫn đêm mới đảm bảo tiến độ. Thế là sau giờ chỉ đạo anh em công nhân trên công trình, tối đến, kỹ sư Lê Thế Hùng “một mình một vỏ” (loại vỏ lãi có gắn máy dùng vận chuyển vật liệu xây dựng trên vùng sông nước) lên điểm tập kết vật liệu tại vàm Ông Trang (thuộc xã Viên An) chở xi măng về cho kịp để anh em công nhân thi công các cống trọng yếu trên công trình. Đối với kỹ sư Lê Thế Hùng, đây thật sự là một thử thách vô cùng gian khó. Lần đầu tiên tự tay cầm máy lái vỏ chở đầy xi măng đi trong đêm khuya thanh vắng, lại chưa rành đường đi lối về, trong khi tuyến đường thủy từ vàm Ông Trang về công trình gần 30km qua bao nhiêu quanh co của kênh rạch vùng sông nước. Kỹ sư Lê Thế Hùng cứ thế lần dò theo ánh sáng của trăng sao, có lúc sóng nước vỗ về làm kỹ sư Lê Thế Hùng rợn cả người, chỉ biết dùng chiếc điện thoại di động làm bạn để an ủi mình sẽ vượt qua những trở ngại này.

Chuyến vận chuyển vật liệu xây dựng của kỹ sư Lê Thế Hùng về đến công trình trong sự ngỡ ngàng, khâm phục của anh em công nhân và bà con quanh vùng. Họ cho rằng việc làm của kỹ sư Lê Thế Hùng như người đi mở đường trên vùng sông nước Cà Mau. Anh nhớ lại: “Lúc lênh đênh giữa vùng sông nước trước mắt là một màu đen tối mịt, mình phải cố gắng, quyết tâm lắm mới đi qua được màn đêm đầy nguy hiểm, như thuở nhỏ tôi cũng từng vượt qua bao khó khăn thiếu thốn của hoàn cảnh gia đình để học cái chữ giúp ích cho đời, đem lại niềm vui cho người khác là mình hạnh phúc”. Những lúc miệt mài với công việc trong rừng sâu, do chưa thích nghi với thời tiết, ăn uống, đi lại… có khi anh bị sốt cao đột ngột, được bà con tận tình giúp đỡ từ viên thuốc, chén cơm, chiếc khăn ấm để vượt qua bệnh tật.

Công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh nối liền Đất Mũi phải xuyên qua rừng – tôm, cụm dân cư, kênh rạch làm ảnh hưởng đến 1.400 hộ dân về đất sản xuất. Phần lớn người dân đã ý thức tầm quan trọng của con đường này nên hết sức ủng hộ, dù có bị mất đất, vì lợi ích cho tương lai sau này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hộ bị ảnh hưởng đất sản xuất, nên không ủng hộ, đã gây khó khăn cho lực lượng từ khảo sát đến thi công. Kỹ sư Lê Thế Hùng phải vừa làm công việc chuyên môn, phải làm công tác dân vận với bà con, nhất là đối với những hộ có vuông tôm bị thiệt hại, để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi hoàn thành sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung. Trên công trình ấy có hàng trăm kỹ sư, công nhân vất vả với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Trong đó, kỹ sư Lê Thế Hùng được người dân Đất Mũi yêu thương bằng tình cảm sâu nặng. Anh đã bỏ lại sau lưng bao lời mời và dự án “béo bở”, cũng như tạm gác chuyện riêng tư của gia đình nhỏ với người vợ trẻ và 2 con thơ nơi phố thị Đà Nẵng, để về với bà con ở vùng đất xa xôi nhất của đất nước. Muôn vàn khó khăn, vất vả với đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh này đã để lại cho kỹ sư Lê Thế Hùng nhiều kỷ niệm, anh đã thật sự nặng tình với vùng đất và con người Đất Mũi. Rồi đây, con đường hoàn thành, đem đến niềm mong đợi từ bao đời nay của người dân, đó là một “kỳ tích” của những người đi “mở đường”, trong đó sự đóng góp công sức của kỹ sư trẻ Lê Thế Hùng – người con của Thủ đô Hà Nội thân yêu, đã in đậm dấu ấn về tình người đối với mảnh đất cực Nam Tổ quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *