Nền nông nghiệp khá “nhạy cảm” trước thiên tai

Tập trung cho xây dựng nông thôn mới

Ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau hứa quyết tâm và cho biết sẽ ưu tiên dành phần lớn ngân sách của địa phương cho xây dựng 2 xã còn lại trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2019.  

Ông Lý Hoàng Tiến – Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin, cùng với phát triển nhanh về du lịch, việc nuôi tôm công nghiệp của địa phương đang dần đi vào chiều sâu, hứa hẹn sẽ là thành phần kinh tế quan trọng vào nguồn ngân sách địa phương trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Phấn khởi với con số thu ngân sách năm qua vượt trên 9 tỷ đồng, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch huyện Thới Bình tự tin năm 2019 sẽ tiếp tục có nhiều đột phá trên lĩnh vực tài chính và từ đó dành ưu tiên cho xây dựng NTM, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến đưa Thới Bình trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, ông Nguyễn Chí Thuần cho biết năm 2019 sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng xã Tân Trung đạt chuẩn NTM, nhất là về hệ thống hạ tầng giao thông.  

Dù chỉ ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, nhưng hàng trăm hecta lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại không nhỏ đến nền sản xuất của địa phương, đời sống của người dân, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu

Là địa phương với nền sản xuất nông nghiệp là thành phần kinh tế trọng điểm, ông Lê Phong – Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, mong muốn tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, nhất là công suất các trạm bơm, bởi thực tế khi gặp mưa lớn, cùng với triều cường thì sẽ gây ngập. Hệ thống cống không xả được do mực nước bên ngoài cao hơn, trong khi đó trạm bơm vừa ít, công suất lại nhỏ nên không thể đáp ứng theo yêu cầu, làm thiệt hại không nhỏ về lúa, hoa màu do bị ngập lâu ngày.

Thực tế, chỉ bị ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 1 vừa qua gây mưa, đã có gần 5.000ha lúa và hoa màu bị ngập. Trường hợp này cũng xảy ra tại TP. Cà Mau, khi vùng trọng điểm trồng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Lý Văn Lâm bị ngập kéo dài, làm 89ha bị thiệt hại; 117ha lúa bị sập, ngập úng, mà nguyên nhân vùng này chỉ có 2 trạm bơm, công suất nhỏ, không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn

Nêu lên 6 vấn đề mà địa phương quan tâm: Kế cấu hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phòng chống tham nhũng, lãng phí; sắp xếp cán bộ các cấp, ông Võ Trường Giang – Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho biết, địa phương hiện có khoảng 700km lộ giao thông nông thôn, tuy nhiên, có khá nhiều tuyến có nguy cơ sạt lở khá cao. Năm 2019, huyện đưa vào chỉ tiêu thực hiện, phấn đấu 70% tuyến đường được kè sạt lở.

Liên quan đến hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), ông Tô Hoài Phương – Chủ tịch UBND huyện Năm Căn đề xuất tỉnh xem xét thành lập Đề án phát triển lộ GTNT. Ông Phương dẫn chứng tại địa phương, mỗi năm ngân sách huyện cấp cho các xã từ 400 – 500 triệu đồng xây dựng lộ GTNT, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, cần khoảng 20 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lâm Văn Bi yêu cầu các địa phương phải đề ra lộ trình thực hiện GTNT, không thể sử dụng nguồn theo kế hoạch của lĩnh vực khác (trụ sở hành chính cấp cơ sở) cho yêu cầu này, vì thực tế đâu cũng là nhu cầu bức xúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *