Ngăn chặn đánh bắt tận diệt thủy sản ven bờ: Cần ổn định sinh kế cho người dân ven biển

Khai thác gần bờ, cụ thể là khai thác thủy sản bằng lưới kéo, là hình thức đánh bắt không chọn lọc, đánh bắt tất cả các loài hải sản từ lớn đến nhỏ, làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của ngư dân. Những loài tôm, cá nhỏ dính vào lưới sẽ bị bắt, nếu có thả lại thì cũng không sống được, do sức kéo của tàu…

Ngư dân gặp khó trong việc đầu tư cải hoán tàu để đủ điều kiện vươn khơi khai thác.

Chưa tìm được hướng đi…

Đây là một vấn đề lớn đối với tỉnh, vì là ngành nghề tự phát. Có một số hộ gia đình,  nghề khai thác thủy sản ven bờ là sinh kế duy nhất và câu chuyện chuyển đổi nghề là mong ước xa vời… Bà Nguyễn Thị Thương (Ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh) nói: “Nhà ở gần biển, nếu không làm nghề biển thì biết làm gì. Biết rằng đánh bắt ven bờ thì nguy hiểm đủ thứ, nhưng để đổi nghề thì thực sự gia đình tôi cũng không biết đổi sang nghề gì”.

Gia đình ông Huỳnh Văn Thắng (Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) có phương tiện đánh bắt gần bờ đã hơn 15 năm nay, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào các chuyến biển ngắn ngày. Ông Thắng bảo, giờ gia đình ông chuyển đổi thì không biết chuyển qua ngành nghề gì, vì nếu cải hoán tàu để đánh bắt xa bờ thì không có kinh nghiệm, sợ thua lỗ rồi mang nợ, còn nếu lên bờ làm ăn thì chưa biết phải làm nghề nào khác để mưu sinh.

Đây là tâm sự chung của nhiều hộ dân sống ven tuyến biển khi nói về câu chuyện chuyển đổi nghề, vì đa phần những hộ này không đất sản xuất, mưu sinh chủ yếu nhờ phương tiện đánh bắt thủy sản gần bờ.

Khai thác thủy sản ven bờ không chỉ nguy hiểm khi thời tiết thay đổi mà còn có nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản. Điều này ảnh hưởng đến việc tháo gỡ “thẻ vàng” của ngành Thủy sản. Vì đa phần các hộ dân hành nghề lưới kéo đơn hay đôi đều gây nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản và dễ làm hư hỏng các loại ngư lưới cụ khác đánh bắt cùng ngư trường.

Dù ai cũng biết việc chuyển đổi từ khai thác gần bờ sang khai thác thủy sản xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, song không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ. Theo một số chủ tàu hành nghề khai thác thủy sản ven bờ, nếu chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ, chi phí cải hoán hoặc đóng mới phương tiện, mua ngư cụ cũng phải mất tiền tỷ. Chưa kể đến việc chuyển đổi tập quán đánh bắt thì ngư dân phải có thời gian học hỏi, làm quen với cách thức mới.

Các loài thủy sản: Tôm, cá khi bị kéo vào lưới mắt nhỏ như thế này sẽ không sống được.

Khó khăn trong khâu quản lý

Đáng nói, hầu hết các tàu lưới kéo thường có chiều dài thân tàu từ 12 – 15m, được cấp phép khai thác ở tuyến lộng nhưng lại đánh bắt hải sản ven bờ. Nhiều chủ tàu hành nghề lưới kéo cho biết nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt nên phải chuyển từ tuyến lộng sang tuyến ven bờ. Nghề này có đặc thù là mắt lưới nhỏ, hầu như bắt được tất cả hải sản.

Ở hầu hết các địa phương ven biển, thực trạng này vẫn đang diễn ra, mặc dù địa phương không cho các phương tiện hành nghề cào, te… đăng ký, đăng kiểm, không cấp phép hoạt động khai thác. Đa phần người dân hoạt động “chui”, khai thác gần bờ, nên rất khó quản lý. Còn với những phương tiện te, cải hoán để đăng ký hành nghề lưới rê nhưng lại “cố tình” đánh bắt sai luồng, tuyến. Vì bản thân của lưới rê là phải đánh bắt vùng khơi nhưng khi được cải hoán thì phương tiện lại không đủ điều kiện hoạt động xa bờ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Châu Công Bằng cho biết: “Công tác quản lý đang gặp khó khăn, nhóm tàu nhỏ khai thác ven bờ, biến động theo hướng mất đi, nhiều tàu có hồ sơ bị mất hoặc không thực hiện đăng ký đăng kiểm. Số tàu phát sinh mới không thực hiện đăng ký đăng kiểm. Nhóm phương tiện thủy nội địa đây là phương tiện thực hiện đi lại trên sông nhưng họ cũng dùng khai thác thủy sản”.

Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề của ngư dân toàn tỉnh rất lớn, nhưng làm thế nào để chuyển đổi ngành nghề lại là một câu hỏi. Phần nhiều các hộ dân khai thác hải sản ven bờ đa số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, để chuyển đổi ngành nghề và ngư trường khai thác, ngư dân phải có vốn mới có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư cụ… Do đó, để việc chuyển đổi nghề thực sự hiệu quả, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và những mô hình chuyển đổi mang tính bền vững. Khi ổn định sinh kế, người dân ven biển sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc cùng với Nhà nước tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *